Để ẩm thực Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không chỉ là một kênh giới thiệu tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, mà hoàn toàn có thể làm giàu cho đất nước, trở thành đòn bẩy cho du lịch, hướng tới là một cực xuất khẩu quan trọng, đã đến lúc, chúng ta cần bật dậy lợi thế này bằng một chiến lược, xây dựng thành thương hiệu quốc gia. Xoay quanh vấn đề này, các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa… đã cùng góp ý, hiến kế cho Hà Nội.




Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart khẳng định, ẩm thực đóng vai trò then chốt cho phát triển kinh tế đêm, mang lại lợi ích cho cộng đồng cũng như nguồn thu lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.

* Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng nổi tiếng với ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Hà Nội cũng nổi tiếng vì sự thân thiện, an toàn đối với du khách và với cả các chính khách. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý. Khi tôi được cử đến công tác tại Hà Nội, một số người bạn của tôi đã nói với tôi rằng tôi thật may mắn khi đến Việt Nam vì nền văn hóa thú vị, con người thân thiện và nền ẩm thực tuyệt vời. Quả thực, nền văn hóa và ẩm thực của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời hơn cả mong đợi.

* Theo ông, sức hấp dẫn, thế mạnh của ẩm thực Việt Nam nằm ở đâu? Với riêng Thủ đô, ông ấn tượng điều gì với ẩm thực của Hà Nội?

- Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và tốt cho sức khỏe vì ít sử dụng dầu mỡ hơn nhiều nền ẩm thực khác và cũng được chế biến với nhiều loại thảo mộc và nguyên liệu tươi. Điều đó tạo nên hương vị tuyệt vời của các món ăn Việt.

Hà Nội có tài nguyên ẩm thực phong phú, được kết hợp từ các vùng miền trên cả nước và cả ẩm thực thế giới, điều đó tạo nên nét độc đáo, riêng có của ẩm thực Hà Nội. Ngoài ra, những câu chuyện văn hóa trong những gia đình làm ẩm thực có truyền thống của Hà Nội cũng là điều tôi rất ấn tượng. Những câu chuyện đó làm nên giá trị riêng mà có thể cũng món ăn đó nhưng ăn ở nơi khác lại không hấp dẫn được như vậy.

* Hà Nội được đánh giá là một trong những trung tâm ẩm thực của cả nước, hội tụ tinh hoa ẩm thực 3 miền Bắc – Trung – Nam, thậm chí là nơi giao thoa mạnh mẽ với ẩm thực của thế giới. Theo ông, Hà Nội cần làm gì để lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa đến với bạn bè quốc tế thông qua ẩm thực?

- Tôi nghĩ rằng, Hà Nội đang làm rất tốt nhiệm vụ quảng bá văn hóa thông qua ẩm thực. Hà Nội đã có rất nhiều tour du lịch ẩm thực và ẩm thực đường phố, cung cấp cho khách du lịch những trải nghiệm khám phá hấp dẫn. Hà Nội cần nâng cấp, phát huy hơn những chương trình giới thiệu tour như vậy tới du khách.

* Theo ông, Hà Nội nên làm gì để có thể phát triển ẩm thực trở thành một mũi nhọn của ngành du lịch, kinh tế đêm, và rộng hơn nữa là trở thành động lực cho “Công nghiệp văn hoá” gắn với yếu tố sáng tạo?

- Hà Nội là một phần của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế. Ngoài ra còn có một số chủ đề đặc biệt như là “Thành phố sáng tạo về ẩm thực” mà các thành phố khác ở Việt Nam cũng có thể có khả năng ứng cử thành công.

Tuy nhiên, khi tôi nhìn vào khu phố cổ Hà Nội với vô số các nhà hàng và chứng kiến tất cả đều chật kín người dân địa phương cùng du khách quốc tế, tôi cho rằng, nền ẩm thực đã và đang trở thành yếu tố then chốt cho các hoạt động về đêm và công cuộc phát triển kinh tế, mang lại lợi ích mạnh mẽ cho cộng đồng địa phương. Hà Nội nên phát huy mạnh hơn tinh hoa ẩm thực đang có, đó là nguồn tài nguyên rất đáng quý để Hà Nội phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu.

* Ẩm thực Hà Nội đã tạo được dấu ấn với bạn bè quốc tế, nhưng để trở thành một trong những mũi nhọn để phát triển du lịch, góp phần hiệu quả vào xây dựng Công nghiệp văn hóa. Theo ông, Hà Nội cần thay đổi cách thức quảng bá văn hóa ẩm thực ra sao để phát huy hết nội lực, giá trị hiện có?

- Như tôi đã nói, Hà Nội có thể cung cấp các tour du lịch chuyên về ẩm thực, ví dụ như một tour ẩm thực mang các chủ đề khác nhau như: Cỗ truyền thống của người Hà Nội, hay các tour ẩm thực ở các làng nghề, ẩm thực của nhiều dân tộc thiểu số đang sinh sống ở Hà Nội… Sự đa dạng của các món ăn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng nên được quảng bá nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông quốc tế, tạp chí, phim tài liệu hoặc mạng xã hội.

* UNESCO từng ghi nhận nhiều nền ẩm thực của một số quốc gia là di sản thế giới như: Pháp, Nhật, Italia… Với nền ẩm thực của Việt Nam, theo ông, cần phải phát huy thêm điều gì để có sức lan tỏa nhiều hơn?

- Không chỉ món ăn được coi là yếu tố di sản phi vật thể của UNESCO, mà cả quá trình từ chế biến, chuẩn bị nguyên liệu, cách thức thưởng thức món ăn trong văn hóa của mỗi quốc gia cũng được UNESCO coi trọng. Nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Việt đó là yếu tố gia đình, bạn bè, sự vui vẻ, yêu thương của các thành viên trong gia đình, cộng đồng khi thưởng thức ẩm thực đã cộng hưởng làm nên giá trị của ẩm thực. Ẩm thực trở thành một phần quan trọng trong đời sống xã hội, nó giúp mọi người gắn kết, yêu thương, gần nhau hơn. Khía cạnh đó cần được nhấn mạnh, làm nổi bật và phát huy.

* Xin cảm ơn ông!

Bài viết: Hoàng Quyên - Hồng Vân
Ảnh - Video: My Long - Tuấn Phong
Thiết kế: Anh - Phong

Back To Top