Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ðảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú

Bảo Ngọc| 17/09/2022 16:15

(HNNN) - Năm học mới đã bắt đầu, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế thành phố tăng cường công tác đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh. Các cơ sở mầm non và các trường học trên địa bàn thành phố đều chú trọng thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng bữa ăn ở trường của học sinh.

Bữa ăn bán trú đầu năm học mới 2022 - 2023 của học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Minh

Kiểm tra giám sát định kỳ, đảm bảo nguồn gốc thực phẩm

Bếp ăn tập thể tại các trường học thường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2010 - 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học.

Trước thềm năm học mới 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt là an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn bán trú. Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm tự tổ chức nấu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn (trung bình khoảng 480 - 500 suất ăn/ngày/trường).

Hiện đa số trường tự tổ chức nấu ăn (87%), 484 trường liên kết với nhà thầu và 87 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn đưa từ bên ngoài vào. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể phải đảm bảo đủ các điều kiện ATTP và tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn, nhà ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố về ATTP trong nhà trường. Trong các năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Đánh giá về công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, để quản lý chặt chẽ số lượng bếp ăn tập thể khá lớn trên địa bàn thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phân cấp cho tuyến quận, huyện quản lý bếp ăn ở các trường THPT, tiểu học, mầm non. Nếu phát hiện vi phạm, các đơn vị quản lý sẽ dựa vào Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ để xử lý. Qua đó, các đơn vị không lưu mẫu thức ăn sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt lên tới 8 triệu đồng. Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chưa phát hiện đơn vị vi phạm. “Hiện nay, đã có 10 quận, huyện và 215 trường tham gia mô hình kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể. Sau khi tham gia được 1 học kỳ (học kỳ 2 năm học 2021 - 2022), các trường đã tiến hành kiểm tra, đánh giá. Đến cuối năm học 2022 - 2023, nếu mô hình hoạt động tốt, hiệu quả, Chi cục sẽ tham mưu UBND Thành phố nhân rộng mô hình này. Qua quá trình kiểm tra, đánh giá, cơ bản các trường, đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện việc này tương đối tốt” - ông Phong nhấn mạnh.

Phụ huynh mong mỏi bữa ăn đủ dinh dưỡng, an toàn cho trẻ

Chị Thanh Hà (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Con tôi rất lười ăn, sức khỏe lại kém, dễ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Do đó, tôi mong mỏi bữa ăn bán trú cho con phải đảm bảo ATTP”. Ngoài nỗi lo về ATTP, chị Thu Hằng (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng dinh dưỡng của các bữa ăn bán trú: “Tôi thấy trước đây đã xảy ra việc trường lên thực đơn cho trẻ rất nhiều món ăn ngon, đủ dinh dưỡng nhưng bữa ăn thực tế lại vừa ít, vừa không phong phú. Các cháu đang tuổi phát triển, những bữa ăn nghèo nàn, thiếu chất sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ”.

Từ thực tế ấy, nhiều phụ huynh kỳ vọng, đối với công tác tổ chức ăn bán trú, Ban giám hiệu các nhà trường phải thể hiện được trách nhiệm, sát sao kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nơi sản xuất, công ty cung cấp một cách thường xuyên chứ không phải chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới xem xét đến hợp đồng, trách nhiệm.

Đáp lại sự kỳ vọng của phụ huynh, tại nhiều nhà trường, công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn bán trú được thực hiện kỹ lưỡng. Việc giám sát có sự phối hợp giữa Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường cũng như đại diện Ban phụ huynh. Đại diện cha mẹ học sinh sẽ được kiểm tra về định lượng suất ăn, độ tươi ngon theo yêu cầu và tham gia giám sát kiểm định ATTP. Ngoài ra, đại diện Ban phụ huynh có thể kiểm tra về quy trình đảm bảo ATTP, bếp ăn một chiều, các điều kiện bảo đảm vệ sinh đồ dùng, dụng cụ nhà bếp... và vệ sinh môi trường xung quanh nơi công ty thực hiện nấu ăn, chế biến thức ăn cho trường học. Thông qua những buổi giám sát như vậy, Ban chỉ đạo công tác ăn bán trú của các trường đã kịp thời góp ý cho các công ty để công tác phục vụ suất ăn bán trú cho học sinh nhà trường đảm bảo ATTP, chất lượng bữa ăn tốt hơn.

Bà Lê Thị Hằng, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong những năm qua, công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và đã đạt được một số kết quả: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhận thức, kỹ năng thực hành của người chế biến tại các bếp ăn tập thể đã được nâng lên. Việc kiểm tra giám sát công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học được thực hiện định kỳ theo tháng, quý, năm.

Các đoàn sẽ triển khai giám sát tư vấn công tác bảo đảm ATTP đối với bếp ăn tập thể tại trường học theo quy định của pháp luật (có sổ theo dõi kết quả kiểm tra của từng trường), đặt trọng tâm vào một số nội dung: Kiểm tra, giám sát tư vấn về thực hành ATTP theo các tiêu chí; Kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, có sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm; Thực phẩm phải lấy tại các cơ sở có tư cách pháp nhân về ATTP (có giấy đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm, được cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát về ATTP); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/Bản tự cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP, địa chỉ cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm niêm yết công khai tại trường; Xét nghiệm nhanh 100% cơ sở, kiểm tra và lấy mẫu gửi xét nghiệm khi cần thiết (đối với một số thực phẩm xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính và một số thực phẩm không rõ nguồn gốc, nghi ngờ không bảo đảm ATTP).

Ngoài ra, cơ quan quản lý còn phối hợp tổ chức giám sát, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm định kỳ, đột xuất tại các bếp ăn tập thể và đơn vị cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm cho các trường. Bên cạnh đó, trong kế hoạch kiểm soát ATTP cũng nêu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về ATTP: 100% các vụ ngộ độc thực phẩm được điều tra, xử lý kịp thời; Xác định rõ nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm; Thực hiện ghi chép sổ theo dõi thống kê ngộ độc thực phẩm theo quy định; Lấy mẫu thức ăn, thực phẩm nguy cơ ô nhiễm gửi xét nghiệm khi cần thiết; Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ðảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.