(HNM) - Tháng 4-2007, người dân thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ vui mừng khi được tin thôn mình là 1 trong 6 địa phương được Tổ chức Du lịch thế giới chọn là điểm triển khai dự án
Dự án tiền tỷ
Sản xuất hàng mây, tre đan xuất khẩu tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.
Ảnh: Thái Hiền
Phú Vinh là cái nôi nghề mây, giang đan truyền thống của huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Nhờ bàn tay tài hoa khéo léo và những "bí quyết" trong nghề nên sản phẩm mây, giang đan của Phú Vinh đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Tuy vậy, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, ngày công lao động thấp do sản phẩm làm ra muốn xuất khẩu phải qua nhiều khâu trung gian. Làng nghề có nhiều tiềm năng đón khách du lịch nhưng chưa được đầu tư bài bản, cơ sở hạ tầng kém nên khách đến Phú Vinh chưa nhiều.
Nhằm hỗ trợ địa phương khai thác tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế, tháng 4-2007, Tổ chức Du lịch thế giới khảo sát, chọn Phú Vinh là điểm triển khai dự án "Phát triển du lịch bền vững vì mục đích xóa đói giảm nghèo" duy nhất của khu vực châu Á. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ tháng 4-2007 đến hết tháng 3-2008 với tổng kinh phí 70.000 USD trích từ quỹ ST- EP (phát triển du lịch bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo). Tổ chức Du lịch thế giới sẽ về Phú Vinh tìm hiểu điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của làng nghề. Từ đó, xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho các hộ sản xuất và chính quyền địa phương trong quản lý du lịch làng nghề; xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và khu vực bán hàng. Tiếp đó giai đoạn 2 sẽ tổ chức các khóa đào tạo, học tập kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch, kỹ năng bán hàng trực tiếp cho khách… với kinh phí hỗ trợ khoảng 120.000 USD. Sau khi được đầu tư, đến Phú Vinh, du khách được chứng kiến, mua các sản phẩm thủ công tinh xảo và có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Dự án thành công sẽ được tiếp tục kéo dài thời gian và làm cơ sở nhân rộng ra các điểm du lịch làng nghề khác.
Dân mừng hụt
Tuy nhiên, sau một số buổi tập huấn "khởi động" rất rầm rộ, dự án đã dừng lại đột ngột mà người dân không rõ nguyên nhân. Ông Vương Văn Cẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Ngay sau khi được chọn đầu tư, các chuyên gia của Nhóm Phát triển du lịch bền vững vì người nghèo (Tổ chức quốc tế Hà Lan SNV), Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh Hà Tây (cũ) đã về địa phương tổ chức hàng chục buổi tập huấn cho cán bộ và nhân dân làng nghề. Tại đây, bà con đã được học cách "giữ chân du khách" với lối ứng xử bán hàng, giao tiếp lịch thiệp và được học cách nấu ăn phục vụ du khách... Cùng với tập huấn, dự án cũng đã hỗ trợ địa phương xây dựng nhà vệ sinh công cộng với kinh phí khoảng 60 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Hoán, cán bộ du lịch làng nghề xã Phú Nghĩa cho biết thêm, ông được nhận chức danh "cán bộ du lịch làng nghề" đúng dịp địa phương nhận được dự án trên, vì vậy ông nắm rất chắc quá trình triển khai. Đây là dự án do tổ chức nước ngoài hỗ trợ theo hình thức nghiệm thu khi có sản phẩm. Nghĩa là công trình triển khai đến đâu, kinh phí sẽ được duyệt và chuyển về đến đấy. Tuy nhiên, do không triển khai được dự án nên không có kinh phí hỗ trợ. Trong khi đó, các bước lập và triển khai dự án lại do các ngành chức năng ở cấp sở, ngành hướng dẫn. Đã nhiều lần ông cùng một số cán bộ địa phương hỏi các cơ quan chức năng về việc triển khai dự án nhưng đều không được trả lời.
Anh Nguyễn Văn Tĩnh, người dân thôn Phú Vinh cho biết: "Thời điểm đó, dân chúng tôi rất phấn khởi và tràn đầy hy vọng rằng địa phương sẽ trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn. Có đông khách đến đồng nghĩa với việc cơ hội bán hàng, xuất hàng trực tiếp ra nước ngoài sẽ tăng, cơ hội việc làm tăng, sẽ tăng thêm thu nhập từ các hoạt động xúc tiến thương mại, làng quê sẽ không còn nghèo. Nhưng chúng tôi chờ mãi mà vẫn chẳng thấy thay đổi gì? Hiện nay thôn Phú Vinh vẫn không có gì khác hơn so với 3 năm về trước".
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: Đây là dự án do tổ chức phi chính phủ hỗ trợ địa phương chứ không phải dự án Nhà nước đầu tư nên Sở không nắm rõ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, dự án đang triển khai "bỗng nhiên" dừng lại một phần do quá trình sáp nhập 3 sở VH-TT&DL của Hà Tây (cũ), tiếp đến là việc hợp nhất giữa tỉnh Hà Tây (cũ) và TP Hà Nội khiến đội ngũ cán bộ xáo trộn nên việc chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thiếu sát sao, khiến dự án lắng dần và dừng hẳn.
Rõ ràng đối với thôn còn khó khăn như Phú Vinh thì dự án "Phát triển du lịch bền vững vì mục đích xóa đói giảm nghèo" có quy mô, mức độ đầu tư lớn, nếu được các cấp, các ngành lưu tâm thì người dân sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay để "rơi" một dự án làng nghề như vậy ai chịu trách nhiệm?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.