Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai Cập: Bản án châm ngòi tình trạng bất ổn mới

Đình Hiệp| 24/05/2015 05:47

(HNM) - Những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) - hiện bị cấm hoạt động tại Ai Cập - trong kỳ nghỉ cuối tuần đã xuống đường tuần hành tại nhiều đường phố ở thủ đô Cairo để phản đối bản án tử hình đối với cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi và các nhà lãnh đạo khác của MB.



Đây chỉ là một trong những hình thức phản đối đang tiếp diễn tại Ai Cập trong tuần, sau khi Tòa án hình sự Cairo (ngày 16-5) kết án tử hình cựu Tổng thống Mohamed Morsi cùng 105 bị cáo khác do các tội danh liên quan vụ vượt ngục quy mô lớn năm 2011.

Nhiều người phản đối bản án tử hình đối với cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi


Trước đó, ngày 28-1-2011, ông M.Morsi đã bị bắt giữ cùng 24 lãnh đạo của MB trong phong trào biểu tình nhằm lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak khi đó. Tuy nhiên, ông M.Morsi đã trốn thoát sau 2 ngày bị câu lưu. Nhân tình trạng hỗn loạn, hàng nghìn tù nhân khác cũng bỏ trốn. Sau khi Tổng thống H.Mubarak bị lật đổ, ông M.Morsi đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống tự do đầu tiên của Ai Cập (6-2012). Thế nhưng, thời gian tại vị của Tổng thống M.Morsi không trọn vẹn khi bị quân đội phế truất vào năm 2013 sau một cuộc chính biến "đường phố". Cuộc bầu cử sau đó (5-2014) đã đưa cựu Tư lệnh quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi lên làm tổng thống. Ngay lập tức, lệnh cấm MB hoạt động cùng trát bắt giữ hàng nghìn người ủng hộ thủ lĩnh M.Morsi đã được chính quyền đương nhiệm ban hành. Tháng 4 vừa qua, ông M.Morsi cũng đã bị kết án 20 năm tù vì tội kích động bạo lực, ra lệnh bắt giữ và tra tấn người biểu tình trong các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ MB và các lực lượng đối lập vào tháng 12-2012.

Theo luật pháp Ai Cập, các bản án tử hình được gửi đến Grand Mufti - một tổ chức tôn giáo tối cao ở Ai Cập để xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, các phán quyết của tổ chức này thường không mang tính ràng buộc với quyết định của tòa án. Vì thế, chính trường Ai Cập càng "nóng" hơn khi tòa án dự kiến sẽ công bố quyết định cuối cùng vào ngày 2-6 tới. Dù khả năng kháng án vẫn còn để ngỏ, song phán quyết của tòa án đã gây những phản ứng trái chiều trong dư luận. Với những người phản đối MB, việc đưa ông M.Morsi ra xét xử là cần thiết. Nhưng với những người ủng hộ thì án tử hình đối với cựu Tổng thống M.Morsi là quá nặng. Trong một tuyên bố mới nhất, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng bản án không phù hợp với cam kết quốc tế của Ai Cập. Giới chức Ai Cập cần bảo đảm việc xét xử phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, công bằng cũng như điều tra đầy đủ và độc lập. Cùng quan điểm này, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng phản đối việc xét xử và kết án hàng loạt bị cáo khi cho rằng điều này đi ngược lại luật pháp và cam kết của Ai Cập với quốc tế.

Trên thực tế, hầu hết các nước phương Tây phản đối việc Tổng thống M.Morsi bị lật đổ tháng 7-2013. Phương Tây đã không ngừng gây áp lực với Ai Cập và đỉnh điểm là 3 tháng sau cuộc lật đổ Tổng thống M.Morsi, Mỹ đã đình chỉ khoản viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD cho Ai Cập. Thế nhưng, các nước phương Tây đã từng bước bình thường hóa quan hệ với quốc gia Arab đông dân nhất này bởi vai trò và sức ảnh hưởng trong khu vực của Ai Cập. Bên cạnh đó, Ai Cập không chỉ là một nhân tố then chốt trong thế giới Arab mà còn nhận được sự ủng hộ to lớn của các nước vùng Vịnh trong liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại phiến quân Houthi tại Yemen và hỗ trợ chiến dịch giải cứu người Ethiopia tại Libya... Vì thế, bản án tử hình dành cho cựu Tổng thống bị lật đổ M.Morsi dù diễn biến ra sao cũng sẽ khó có thể tác động lớn tới quan hệ giữa quốc gia Bắc Phi này với phương Tây.

Nếu phán quyết đầu tiên trong ngày 2-6 tới không thay đổi, cựu Tổng thống M.Morsi sẽ là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Ai Cập hiện đại bị tử hình. Có nhiều lý do để lo ngại rằng, án tử hình đối với ông M.Morsi sẽ châm ngòi cho một tình trạng bất ổn mới tại Ai Cập khi MB bị đặt ngoài vòng pháp luật sẽ gia tăng các hành động phản kháng trong những ngày tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai Cập: Bản án châm ngòi tình trạng bất ổn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.