(HNM) - Phiến quân Taliban đã làm điều mà chúng tuyên bố, bất chấp việc lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu đang ngày một tăng cường binh lính tới chiến trường này.
Lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu đang được đổ tới Afghanistan trong nỗ lực bình ổn chiến trường khốc liệt này. |
Đến nay, sau gần 3 tuần phát động (từ ngày 10-5), chiến dịch tấn công quân sự mới "Al-Fatah" (Thắng lợi) nhằm vào "những người nước ngoài và các đại diện của họ" trên toàn lãnh thổ Afghanistan do Taliban phát động đã gây tổn thất lớn cho lực lượng liên quân và người dân nước sở tại, khiến hơn 100 người chết và bị thương. Phiến quân Taliban đã nã rocket, pháo cối vào khu vực sân bay Kandahar, căn cứ lớn nhất của NATO ở miền Nam Afghanistan (ngày 22-5), làm bị thương nhiều người trong đó có một số binh sĩ NATO và công nhân. Đây là vụ tấn công lớn thứ ba trong tuần qua của Taliban nhằm vào lực lượng liên quân tại Afghanistan. Trước đó, ngày 18-5, một phần tử Taliban đánh bom liều chết đã tấn công một đoàn xe NATO tại thủ đô Kabul, làm 18 người thiệt mạng trong đó có 6 binh sĩ NATO. Ngoài ra, 47 người khác bị thương và hàng chục xe ô tô dân sự cũng bị phá hủy. Ngày 19-5, hàng chục tay súng Taliban tấn công căn cứ Bagram ở phía Bắc Kabul, căn cứ quân sự chính của Mỹ. Một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và 9 lính Mỹ bị thương trong cuộc giao tranh kéo dài hơn tám giờ tại căn cứ này…
Các vụ tấn công đã dấy lên câu hỏi lớn về sự an bình ở quốc gia Nam Á này, là thách thức cho hội nghị hòa bình về Afghanistan dự kiến diễn ra tại Kabul vào cuối tháng này với sự tham gia của hơn 1.000 lãnh đạo chính trị và cộng đồng trên cả nước.
Dư luận cho rằng, quyết tâm của Tổng thống Mỹ Barack Obama coi Afghanistan, chứ không phải Iraq, là "mặt trận chính" trong cuộc đấu tranh chống khủng bố quốc tế, thật không dễ dàng. Việc dồn binh lực tới chiến trường này đã thể hiện rõ ý đồ của Lầu Năm Góc. Đến ngày 25-5, số binh lính Mỹ có mặt tại Afghanistan là 94.000, trong khi đó con số này ở Iraq là 92.000. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đây là lần đầu tiên, lính Mỹ tham chiến ở Afghanistan nhiều hơn ở Iraq. Dự kiến, đến cuối mùa hè này, tại Afghanistan sẽ có hơn 100.000 binh lính Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải chỉ có binh và lực hùng mạnh, điều quan trọng là quyết tâm của Nhà Trắng trong cuộc chiến chống khủng bố là phải thu phục niềm tin của chính người dân nước sở tại. Nhưng điều ấy lại không dễ dàng. Bom đạn "lạc" của liên quân gây thương vong lớn đến dân thường đã là "vệt đen" không dễ gỡ bỏ.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) thống kê, ngày 24-5, Afghanistan đã vượt Iraq trở thành quốc gia có số người đăng ký tị nạn cao nhất thế giới trong năm 2009. Trong báo cáo hằng năm, UNHCR cho biết, 26.800 người Afghanistan đã đăng ký tị nạn trong năm qua, tăng 45% so với năm 2008. Hơn 6 triệu người Afghanistan đã phải rời bỏ quê hương do các cuộc xung đột, chiến tranh kể từ khoảng 30 năm trở lại đây. Tới nay vẫn còn có hơn 2,7 triệu người Afghanistan sống tị nạn tại Pakistan và Iran…
Với Washington giải được bài toán ấy không phải là điều dễ dàng. Có thể hiểu báo cáo của các tướng lĩnh hàng đầu Mỹ với Tổng thống Barack Obama, hồi đầu tháng 5 này rằng, chiến lược tại Afghanistan "chậm nhưng chắc". Rõ ràng, các vị tư lệnh chiến trường của Lầu Năm Góc đã rất thực tế khi không ảo tưởng trông đợi tình hình tại Afghanistan sẽ sớm thay đổi triệt để sau quyết định tăng hàng chục nghìn quân tới chiến trường này hồi năm ngoái. Chiến trường Afghanistan thật sự không dễ bình định trong tương lai gần là điều cả Kabul lẫn Washington đang buộc phải thừa nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.