Theo dõi Báo Hànộimới trên

ADB hỗ trợ hơn 100 triệu USD nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Theo Thuý Hà (Vietnam+)| 10/12/2018 20:04

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản hỗ trợ 100,6 triệu USD để hỗ trợ những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ y tế và chất lượng của các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, đặc biệt là các khu vực biên giới nghèo.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Gói tài trợ bao gồm một khoản vay chính sách trị giá 88,6 triệu USD, giúp hỗ trợ ngân sách cho Bộ Y tế trong quá trình triển khai những cải cách phức tạp trên toàn quốc ở các lĩnh vực then chốt, như quản lý đầu tư công, cung cấp dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trong mạng lưới chăm sóc y tế cơ sở.

Ngoài ra, một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 12 triệu USD sẽ bổ sung cho những cải cách này thông qua thí điểm các mô hình cung cấp dịch vụ y tế ở 12 huyện thuộc 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều dân tộc thiểu số và an ninh y tế không đảm bảo.

Ông Gerard Servais, chuyên gia y tế cao cấp của ADB chia sẻ: “Chương trình này là một phần trong nỗ lực được ADB điều phối nhằm giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, bao gồm tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản. Đặc biệt, khoản viện trợ không hoàn lại sẽ tài trợ cho những hoạt động đầu tư thiết yếu để giúp bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng ở các vùng sâu xa và vùng khó khăn, với trọng tâm là sức khỏe của phụ nữ".

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong ba thập niên vừa qua đã giúp Việt Nam giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 52,9% trong năm 1992 xuống còn 2% trong năm 2016. Tuy nhiên, thành tựu này không được phân bổ đồng đều trên cả nước. Điều này dẫn tới không công bằng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng và phù hợp về chi phí, tạo ra những chênh lệch trong các kết quả đầu ra của dịch vụ y tế công, như sức khỏe sinh sản và chăm sóc bà mẹ trẻ em. Ví dụ, ở khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là 24,8 trên 1.000 ca sinh vào năm 2015, trong khi đó ở khu vực Đông Nam Bộ là 8,6 trẻ tử vong trên 1.000 ca.

Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được nhu cầu xây dựng một khuôn khổ phù hợp để định hướng đầu tư cho mạng lưới chăm sóc y tế cơ sở. Mạng lưới này chủ yếu bao gồm các trạm y tế xã phường, đóng vai trò then chốt trong tiếp cận công bằng dịch vụ chăm sóc y tế, đặc biệt tại những khu vực khó khăn và tăng cường an ninh y tế, song trang thiết bị ở đây thường lạc hậu. Ngoài ra, quản lý nhân lực trong mạng lưới còn yếu kém và chưa theo kịp được nhu cầu chăm sóc y tế đang thay đổi của người dân, nhất là trong việc quản lý các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng như tiểu đường cũng như các bệnh tim mạch.

Chương trình của ADB sẽ hỗ trợ những cải cách của Chính phủ trong các lĩnh vực này, bao gồm 14 hành động chính sách đã hoàn thành. Khoản viện trợ không hoàn lại cũng kỳ vọng đạt được các đầu ra cụ thể. Ví dụ, tới năm 2024, 12 bệnh viện huyện tại 6 tỉnh sẽ có các trang thiết bị y tế thiết yếu để chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm...

Khoản viện trợ không hoàn lại sẽ tăng cường an ninh y tế và thực hiện các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dân cùng với hồ sơ sức khỏe điện tử. Chương trình cũng sẽ góp phần cho hợp tác khu vực trong an ninh y tế thông qua dự án an ninh y tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đang được triển khai và Chiến lược hợp tác y tế khu vực GMS vừa được thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ADB hỗ trợ hơn 100 triệu USD nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.