Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ác mộng “vách đá tài chính”

Thùy Dương| 29/12/2012 06:53

(HNM) - Chỉ còn vài chục giờ nữa là kết thúc năm 2012, cũng là thời hạn chót cho cuộc giải tỏa thế bế tắc chính sách tài khóa của nước Mỹ, cơn ác mộng mang tên


Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục trượt dốc trong những ngày cuối cùng của năm 2012.

Theo quy định, nếu Quốc hội Mỹ không thể tìm được tiếng nói chung trong 48 giờ tới thì kịch bản "vách đá tài chính" - khái niệm ám chỉ nguy cơ tăng thuế, cắt giảm mạnh ngân sách liên bang (với tổng giá trị lên tới 600 tỷ USD) - sẽ tự động có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang đối mặt với khoản nợ công khổng lồ hơn 16 nghìn tỷ USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp cao… nếu khủng hoảng "vách đá tài chính" xảy ra sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế còn ốm yếu, phục hồi chậm chạp của Mỹ. Lúc đó "vách đá tài chính" không chỉ tác động mạnh tới cuộc sống của hàng triệu người lao động Mỹ đang gặp khó khăn cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, mà còn làm tê liệt nhiều hoạt động của bộ máy công quyền và nền kinh tế xứ Cờ hoa.

Cuộc khủng hoảng có thể xảy ra này bắt nguồn từ những bất đồng gay gắt về chính sách tài khóa giữa Nhà Trắng với Quốc hội Mỹ và giữa hai đảng Cộng hòa với Dân chủ đã kéo dài hàng năm nay. Nhà Trắng và các Nghị sỹ đảng Dân chủ chủ trương tăng thuế đối với những người giàu có mức thu nhập từ 200.000 USD/năm với cá nhân và từ 250.000 USD/năm trở lên với các cặp vợ chồng. Tăng thuế như vậy sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách, góp phần xử lý các món nợ quốc gia, cắt giảm bội chi ngân sách. Nếu thực hiện, nước Mỹ có thể giảm mức thâm hụt ngân sách khoảng 700 tỷ USD vào cuối năm 2013 nhằm lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chính sách tăng thuế thu nhập và cắt giảm bội chi ngân sách của Tổng thống B.Obama đã vấp phải phản ứng gay gắt của các nghị sỹ đảng Cộng hòa. Các nhà kinh tế của đảng con Voi nhấn mạnh giảm chi tiêu gắt gao và tăng thuế sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Điều này có thể đẩy nước Mỹ rơi trở lại tình trạng suy thoái, đe dọa lớn đến cuộc phục hồi nền kinh tế vừa có dấu hiệu tích cực.

Nếu hai đảng không vượt qua được "vách đá tài chính" bằng sự đồng thuận, kinh tế Mỹ năm 2013 dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 650 tỷ USD vì chi ngân sách giảm và thuế tăng. Khoản thâm hụt này tương đương 4% GDP, trong khi tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 2%/năm. Hậu quả dừng bước trước "vách đá tài chính" khiến siêu cường số một thế giới lâm vào vỡ nợ (dù chỉ mang tính kỹ thuật) là khôn lường. Theo Vladimir Bragin, Giám đốc phụ trách Phân tích thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô của Hãng Capital, nếu vậy, toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ có thể bị tổn thương nặng. Không thể nâng được mức trần nợ công cũng sẽ là một thảm họa như những gì đã xảy ra hồi năm 2008 với nền tài chính toàn cầu.

"Vách đá tài chính" đang không chỉ đe dọa nghiêm trọng kinh tế Mỹ, mà còn tác động tới kinh tế toàn cầu, nhất là Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang chìm trong vòng xoáy khủng hoảng nợ công. Những viễn cảnh tồi tệ về kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu cho thấy cuộc giằng co ngân sách giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của xứ Cờ hoa đang trở thành mối quan tâm lớn và buộc hai bên phải có nhượng bộ nhất định để tránh một đổ vỡ thế kỷ.

Dẫu vậy, đạt được đồng thuận chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản tại chính trường Mỹ, nhất là trong các cuộc đua về những chính sách vĩ mô; ảnh hưởng tới lợi ích nhóm trong xã hội Mỹ. Những nút thắt, những cuộc mặc cả sẽ chỉ được giải quyết vào phút chót. Đó chính là lý do vì sao "vách đá tài chính" đang là mối nguy lớn nhất đe dọa nước Mỹ khiến thị trường chứng khoán Mỹ và cũng như các sàn "thông nhau" tại Châu Á và Châu Âu liên tục sụt điểm trong thời gian gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ác mộng “vách đá tài chính”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.