(HNM) - Giám sát là chức năng quan trọng của HĐND. Để giám sát của HĐND và đại biểu HĐND được tốt hơn, từ kinh nghiệm thực tiễn, có thể vận dụng 9 yếu tố trong quá trình giám sát.
Thứ nhất, giám sát cần có thông tin và để thực hiện tốt điều này, đại biểu phải biết lắng nghe thông tin từ phía cử tri, sau đó phân tích, đánh giá tính chính xác thông tin, đối chiếu với các quy định pháp luật, xem xét vấn đề một cách toàn diện trước khi kết luận.
Thứ hai, cần có ưu tiên trong giám sát, bởi thời gian của HĐND rất ít, nên cần xác định thứ tự ưu tiên - vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải, đặc biệt cần lựa chọn những vấn đề mà đa số cử tri quan tâm, những chương trình, dự án có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân.
Thứ ba, tránh phó thác nhiệm vụ giám sát cho một vài đại biểu được coi là "có kiến thức chuyên môn" trong một lĩnh vực cụ thể, vì đây là trách nhiệm của đại biểu và cử tri mong chờ đại biểu thực hiện chức năng đại diện cho mình trong hoạt động này.
Thứ tư, không nên coi giám sát như kiểm tra, tham gia quá sâu vào công việc hành chính thường nhật, vì điều này có thể làm giảm tác dụng giám sát, gây cảm giác không tin cậy và chồng chéo chức năng với nhân viên của cơ quan chấp hành.
Thứ năm, giám sát là hành vi của cơ quan dân cử - độc lập về vị thế, tổ chức, sử dụng quyền lực và nguồn tin công cộng (ý kiến cử tri, công luận). Do đó giám sát cần giữ vị thế khách quan và có tiêu chí hướng tới mục đích đã đề ra khi hoạch định chính sách.
Thứ sáu, giám sát hiệu quả, không những chỉ biết chọn đúng việc để quyết mà còn phải cân nhắc quyết định cả cách làm đúng, chi phí thời gian, tiền bạc và nhân lực hợp lý để đạt mục đích của chính sách, dự án đã quyết định. Như vậy, phải đặt ra tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả ngay trong quá trình đề ra chính sách để làm cơ sở cho giám sát thi hành chính sách.
Thứ bảy, giám sát cần dựa trên tinh thần sẵn sàng hợp tác giữa cơ quan dân cử với cơ quan hành chính. Là cơ quan giám sát, đại biểu không nên dành nhiều thời gian tranh cãi về các quan điểm khác nhau có thể xảy ra trong cách tiếp cận thực hiện chính sách giữa HĐND và UBND, mà hãy chủ động thương thuyết tháo gỡ các cản trở tiến trình thực hiện chính sách đó.
Thứ tám, cần phối hợp giữa Thường trực với các ban HĐND và giữa các ban HĐND với nhau để giám sát hiệu quả.
Thứ chín, cần giám sát việc thực hiện - giám sát sau quyết định. Người đại biểu cần xác định các dữ liệu và thông tin, tiêu chí đánh giá cần thiết để giám sát tiến trình thực hiện chính sách hoặc chương trình có đạt kết quả hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.