(HNM) - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hiện có 75 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó, có 52 TĐ do bộ, ngành trung ương quản lý và 23 TCT địa phương.
Theo đó, các đề án tái cơ cấu phải bám theo 5 nội dung cơ bản: chiến lược kinh doanh đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 gắn với quy hoạch ngành; tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính và thoái vốn đầu tư ngoài ngành; tính toán được nhu cầu lao động sẽ bị dôi dư khi tái cơ cấu; bảo đảm tính minh bạch thông tin và phòng ngừa rủi ro về tài chính và cuối cùng là tái cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các TĐ, TCT phải xây dựng lộ trình thoái vốn, tính toán tổng nguồn vốn, thoái vốn thu về. Mỗi đơn vị tính toán cụ thể nhu cầu vốn để thực hiện phát triển kinh doanh theo chiến lược tái cơ cấu đã đề ra, nhu cầu vốn trong xử lý lao động dôi dư, đồng thời phải làm rõ đâu là các khoản nợ xấu phải xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.