Theo dõi Báo Hànộimới trên

6 giải pháp duy trì hợp đồng bảo hiểm mùa dịch

Tùng Phan| 10/12/2021 21:58

Bảo hiểm nhân thọ được ví như “vắc xin tài chính” khi dịch bệnh trở nên khó lường và mang nhiều rủi ro cho sức khỏe con người. Mặc dù hiểu điều này, song không ít khách hàng vẫn loay hoay tìm giải pháp để duy trì hợp đồng bảo hiểm khi phải đối mặt cùng lúc nhiều áp lực tài chính. Dưới đây là một số giải pháp được các chuyên gia khuyên dùng để gìn giữ quyền lợi bảo hiểm.

Tận dụng thời gian gia hạn nộp phí

Thời gian gia hạn nộp phí là khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày đến hạn nộp phí của hợp đồng. Trong khoảng thời gian này, mặc dù hợp đồng có thể chưa được đóng phí, nhưng vẫn duy trì hiệu lực với đầy đủ quyền lợi bảo hiểm.

San sẻ gánh nặng tài chính với khách hàng, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động đưa ra giải pháp nới rộng thời gian này. Đơn cử, Công ty Bảo hiểm Prudential đã điều chỉnh thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm lên 120 ngày cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực có ngày đến hạn đóng phí từ ngày 30-8-2021 đến 31-12-2021.

Nếu là khách hàng của Prudential, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian 120 ngày gia hạn để thu xếp tài chính trong khi vẫn được duy trì nguyên vẹn sự bảo vệ. Tuy nhiên, bạn nên chủ động đánh dấu lịch hay ghi lại ngày cuối cùng của thời gian gia hạn để tránh quên nộp phí.

Sử dụng giá trị hoàn lại đóng phí tự động

Đối với các sản phẩm bảo hiểm truyền thống có giá trị hoàn lại đủ để nộp một kỳ phí theo hợp đồng hoặc kỳ phí nhỏ hơn, nếu sau thời gian gia hạn nộp phí mà khách hàng vẫn chưa thanh toán phí, công ty bảo hiểm sẽ tự động tạm ứng một khoản tiền từ giá trị hoàn lại để đóng phí cho hợp đồng.

Đây là nghiệp vụ phổ biến trong ngành Bảo hiểm, trên nguyên tắc đặt quyền được bảo vệ của khách hàng lên trên hết. Chỉ lưu ý rằng, để tạo sự công bằng giữa các khách hàng, việc tạm ứng phí tự động sẽ phát sinh khoản giảm thu nhập đầu tư (được hiểu là khoản lãi). Vì thế, khi có đủ tài chính, khách hàng nên nhanh chóng thu xếp hoàn trả lại cả khoản phí và khoản giảm thu nhập đầu tư.

Sử dụng quyền tạm ngưng đóng phí

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, nếu hợp đồng từ năm thứ 6 trở đi, bạn có thể sử dụng quyền tạm ngưng đóng phí. Tuy nhiên, nếu hợp đồng bảo hiểm có kèm một số sản phẩm bổ trợ thì đừng quên nộp phí cho các sản phẩm này để duy trì quyền lợi bảo hiểm.

Nếu hợp đồng tham gia chưa tròn 5 năm, tùy theo đặc thù của sản phẩm bảo hiểm, bạn có thể yêu cầu rút giá trị tài khoản đầu tư thêm hoặc công ty sẽ sử dụng giá trị tài khoản để nộp phí cho hợp đồng hoặc cho các sản phẩm bổ trợ đi kèm nếu thỏa điều kiện.

Khi tài chính khởi sắc hơn, bạn có thể đầu tư thêm (“top up”) nhằm gia tăng giá trị tài khoản để đầu tư sinh lời, mang lại lợi nhuận.

Dùng thẻ tín dụng ngân hàng

Tận dụng lợi thế “dùng trước, trả sau”, bạn nên sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng để nộp phí bảo hiểm. Bạn có thể hoàn trả toàn bộ hay một phần khoản tiền mà ngân hàng đã ứng, tối đa trong khoảng 45 đến 55 ngày sau khi giao dịch diễn ra tùy vào chính sách của ngân hàng phát hành thẻ.

Không chỉ vậy, khi sử dụng thẻ tín dụng cho mục đích nộp phí bảo hiểm, bạn còn có thể được hưởng chính sách hoàn tiền hấp dẫn dành cho chủ thẻ. Dĩ nhiên, chỉ một số loại thẻ áp dụng chính sách này, người dùng nên tìm hiểu cụ thể chính sách ưu đãi này có áp dụng với tấm thẻ mà mình đang sở hữu hay không. Ví dụ, thẻ VPLady do ngân hàng VPBank phát hành đang áp dụng chính sách hoàn tiền lên tới 6% cho thanh toán bảo hiểm online và không vượt mức tối đa 600.000 đồng/ tháng.

Thay đổi định kỳ nộp phí

Đóng phí theo định kỳ năm thường được người mua lựa chọn vì có tổng phí nhỏ nhất so với các định kỳ nộp phí khác, đồng thời cũng là cách giúp người mua hạn chế việc phải ghi nhớ nhiều hay quên nộp phí.

Nếu không thể xoay sở một số tiền lớn để thanh toán phí bảo hiểm, người mua có thể gửi yêu cầu tới công ty bảo hiểm đề nghị chuyển định kỳ đóng phí từ năm thành mỗi nửa năm, hằng quý hoặc hằng tháng. Số tiền cần nộp sẽ được giảm xuống tương ứng và không còn là áp lực với người mua. Có một lưu ý nhỏ là yêu cầu này chỉ thực hiện được vào ngày kỷ niệm năm của hợp đồng.

Duy trì hợp đồng với số tiền bảo hiểm giảm

Sau khi đã cân nhắc tất cả các giải pháp trên mà vẫn không thấy giải pháp nào phù hợp, người mua lúc này có thể cân nhắc tới phương án duy trì hợp đồng bảo hiểm với số tiền giảm. Giải pháp này sẽ giúp người mua duy trì được sự bảo vệ với giá trị bảo hiểm thấp hơn và sẽ không phải tiếp tục nộp phí.

Tuy nhiên, giải pháp duy trì hợp đồng với số tiền giảm sẽ không thể áp dụng cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm. Tùy tình trạng cụ thể của từng hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ tính toán và xác định có thể thực hiện phương án này hay không.

Khác với các giải pháp trên, duy trì hợp đồng với số tiền bảo hiểm giảm nên được xem là “giải pháp cuối cùng” khi khó khăn tài chính của bạn được xác định là lâu dài và không có khả năng hồi phục trong tương lai.

Tới đây, nếu bạn vẫn còn băn khoăn “giải pháp nào là phù hợp nhất cho hợp đồng của tôi?”, thì bạn nên trực tiếp trao đổi, tham vấn từ tư vấn viên hoặc công ty bảo hiểm để được hỗ trợ cụ thể và có câu trả lời chính xác nhất.

Cuối cùng, bảo hiểm là cách rèn luyện tính tiết kiệm có kỷ luật, không nên vì những khó khăn tạm thời mà đánh mất đi quyền lợi bảo hiểm, cũng như phá vỡ kế hoạch tài chính mà bạn đã bỏ công xây dựng. Hãy nhớ rằng không phải ở bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ ai cũng có thể mua được bảo hiểm, bảo hiểm chỉ có thể mua được khi bạn chưa phải dùng hoặc chưa cần tới nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 giải pháp duy trì hợp đồng bảo hiểm mùa dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.