(HNMO) - Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị: "Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững" do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 17-10.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến ngày 15-10, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 8.200 xã tại 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 5,6 triệu con, với hơn 320.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% thịt lợn của cả nước.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống bệnh dịch, hiện có 3.591 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, có 10 tỉnh, thành phố (Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Giang) có hơn 80% số xã đã qua 30 ngày không có lợn mắc bệnh. Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên đang tiến hành các thủ tục công bố hết bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh điểm và đang có chiều hướng giảm mạnh lợn bị mắc bệnh. Trong tháng 9 vừa qua, cả nước có hơn 678.000 con lợn bị tiêu hủy, giảm 46,6% so với tháng 5-2019. Dự báo con số này đến hết tháng 10-2019, có khoảng 500.000 con lợn bị tiêu hủy, giảm 60,7% so với tháng 5-2019.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy nơi nào làm tốt, thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi thì đều khống chế hiệu quả.
Hiện, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh điểm và dần được khống chế là minh chứng cho hiệu quả thực thi đồng bộ các giải pháp phòng, chống của các bộ ngành trung ương và các địa phương trong thời gian qua.
Ngoài sử dụng các loại vắc xin phòng, chống bệnh dịch, nếu người chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh, thì việc khống chế dịch bệnh động vật nói chung, bệnh Dịch tả lợn châu Phi nói riêng thì hoàn toàn có thể sớm khống chế thành công bệnh Dịch tả lợn châu Phi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.