(HNMO) - Thông tin trên được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên chỉ ra tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra sáng 9-6 tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, các viện, trường đại học…
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), bên cạnh những mặt tích cực mà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại, vẫn tồn tại những tiêu cực đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”.
Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp như tại thành phố Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 đến 2011.
“Điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, trong khi doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da”, ông Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, giảng viên Viện Kế toán - Kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đã chỉ ra những dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài như: Lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi quy mô hoạt động và doanh số của doanh nghiệp FDI vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua các năm; doanh nghiệp FDI có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn... Vì vậy, chuyên gia này kiến nghị cần tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI.
Nói về thực trạng tổ chức kiểm toán chuyển giá của KTNN đối với doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ - KTNN cho biết, thực tế hiện nay, do còn có cách hiểu chưa thống nhất về đối tượng của KTNN, đặc biệt là cụm từ “tài chính công, tài sản công” nên KTNN chưa thực hiện được việc kiểm tra, kiểm toán đối với các hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, nếu có thì chỉ thực hiện thông qua việc đối chiếu nghĩa vụ ngân sách nhà nước qua cơ quan thuế.
Để hoàn thiện công tác kiểm toán trong hoạt động chống chuyển giá, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, cần tiếp tục làm rõ cơ sở pháp lý của KTNN khi thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp thông qua việc trình và sửa đổi Luật KTNN cho phù hợp; Chính phủ củng cố lại cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.