(HNMO) - ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chỉ rõ, mặc dù nhiều bộ, ngành và địa phương có xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức, triển khai rất chậm, đặc biệt là ở địa phương.
Cần có Nghị quyết riêng về tái cơ cấu kinh tế
Hầu hết các ý kiến đều đồng tình cho rằng việc tái cơ cấu nền kinh tế nước ta qua 5 năm thực hiện đã có những đóng góp tích cực, giúp kinh tế Việt Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn, đứng trên bờ vực suy thoái. Việc chọn 3 khâu đột phá là đầu tư công, doanh nghiệp (DN) nhà nước và các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cả 3 trọng tâm đều đạt được những kết quả tích cực. Những kết quả đạt được là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu.
ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) |
Tuy nhiên, theo ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), mặc dù vậy, tái cơ cấu vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra, còn nhiều yếu kém, hạn chế như đã được đề cập trong đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của QH.
ĐB đã chỉ ra nguyên nhân đầu tiên là chưa tạo được nhận thức đầy đủ từ TƯ xuống địa phương về tầm quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này thể hiện ở việc mặc dù nhiều bộ ngành và địa phương có xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức, triển khai rất chậm, đặc biệt là ở địa phương.
"Qua đi giám sát, chúng tôi có cảm nhận rằng, 5 năm rồi nhưng tái cơ cấu chưa về đến địa phương. Tình trạng coi việc tái cơ cấu là việc của TƯ khá phổ biến. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần quyết liệt, sát sao hơn trong công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tái cơ cấu kinh tế, để các cấp, các ngành và xã hội có chung một nhận thức và hiểu biết đúng về tái cơ cấu, coi việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là trách nhiệm của chính mình" - ĐB Hùng nêu.
Tái cơ cấu chưa được coi trọng, chưa thu hút được sự tham gia của cả xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ TƯ xuống địa phương, chưa có một cơ quan chính thức có đủ thẩm quyền chỉ đạo điều phối, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, chưa có sự phân công cụ thể, chưa đưa ra được tiến độ, lộ trình thực hiện tái cơ cấu và một cơ chế giám sát hiệu quả... là hàng loạt những lý do khác mà ĐB Hùng cũng đề cập, khiến tái cơ cấu chưa mang lại hiệu quả mong muốn.
Trên cơ sở đó, ĐB kiến nghị tại Kỳ họp này, QH sẽ ra nghị quyết riêng về tái cơ cấu và Chính phủ sẽ thành lập cơ quan chỉ đạo chuyên trách tinh gọn ở TƯ và tại địa phương thành lập cơ quan chỉ đạo ở cấp tỉnh. Do tầm quan trọng của tái cơ cấu nên người đứng đầu cơ quan chỉ đạo ở TƯ nên là đồng chí Thủ tướng Chính phủ, còn ở địa phương nên giao cho Chủ tịch UBND tỉnh.
ĐB Lê Quân (Hà Nội) |
Phát biểu tập trung vào kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, ĐB Lê Quân (Hà Nội)cho rằng kế hoạch đã được chuẩn bị rất công phu, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, có tính khoa học và thực tiễn cao, có nhiều điểm mới cả về tư duy, cách tiếp cận và định hướng chính sách.
Kế hoạch đã chú trọng phân vai trò rõ ràng của nhà nước kiến tạo, của doanh nghiệp, bao gồm cả ngân hàng, thị trường tài chính, thị trường lao động chịu trách nhiệm tái cơ cấu, kế hoạch tập trung điều chỉnh phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.
"Tuy nhiên, kế hoạch chưa phân tích đầy đủ về những tác động tái cơ cấu kinh tế đối với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu thu nhập, rộng hơn là đời sống của người dân. Trong khi đời sống và hạnh phúc của người dân mới là mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu kinh tế.
Kế hoạch cũng chưa thấy đề cập đủ và đúng mức quan điểm về phát triển nhân lực, đào tạo, bố trí sắp xếp công ăn việc làm, quan điểm phát triển thị trường lao động, tái cấu trúc khu vực đào tạo, đào tạo nghề và các chính sách xã hội hoá trong các lĩnh vực này.
Kế hoạch chưa đề cập tương xứng đến câu hỏi hiện nay là làm thế nào huy động được nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế. Báo cáo gần đây cho thấy 500 DN Việt Nam có xu hướng suy giảm rõ rệt cả về tăng trưởng lẫn hiệu quả.
Trong bối cảnh cả DN tư nhân và DN nhà nước nếu vẫn chạy theo đầu cơ ngắn hạn như thời gian qua thì sẽ không có chuyển dịch cơ cấu về mặt thực chất. Kịch bản của Chính phủ đưa ra khi lựa chọn phương án tái cơ cấu cơ bản và quyết liệt ở một số khâu và cần phải chỉ rõ và mạnh hơn các khâu quan trọng để giúp giải phóng nguồn lực trong dân" - ĐB Quân kiến nghị.
Sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp khiến người dân bất bình
Thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được trong năm 2016, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên)nhận định, những kết quả này đạt được trong điều kiện rất khó khăn và đầy thử thách của tình hình trong nước và quốc tế nên rất quan trọng và có ý nghĩa.
Từ những kết quả này, bước đầu người dân nhận thấy hình ảnh của một Chính phủ kiến tạo, hành động vì dân qua những hành động cụ thể như ban hành nhiều văn bản thể chế hoá pháp luật, khẩn trương đưa pháp luật vào cuộc sống.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Chính phủ khẳng định đã khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật; tập trung rà soát, phát hiện nhiều vấn đề bất cập yếu kém để tập trung chỉ đạo giải quyết với tinh thần nói thẳng, nói thật và làm thật. Người dân rất đồng tình ủng hộ với cách làm này.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với tinh thần nói đi đối với làm, lãnh đạo, chỉ đạo phải gắn với kiểm tra, giám sát. Cách làm này bước đầu đã tạo chuyển biến rất tích cực ở các bộ ngành và địa phương.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, báo cáo Chính phủ cũng nêu nhiều nội dung tồn tại hạn chế rất đáng lo ngại.
"Báo cáo Chính phủ nêu năng lực phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính còn chưa nghiêm. Hầu như năm nào trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước QH đều có hạn chế này. Vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy? Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục. Đại biểu QH và người dân cần có câu trả lời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là có chấn chỉnh được thực trạng này hay không và khi nào sẽ khắc phục được yếu kém này?" - ĐB Nguyễn Thái Học nêu.
Về một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí, theo ĐB Học, trong tình hình ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn thì khuyết điểm nêu trên làm cho người dân bức xúc và bất bình.
ĐB tiếp tục nêu câu hỏi: "Chúng ta có Luật đầu tư công, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này? Trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao? Đề nghị Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân".
Báo cáo Chính phủ nêu số lượng DN được cổ phần hoá (CPH) lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Đây là biểu hiện cụ thể của việc có tiêu cực, có thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình CPH DN nhà nước
Người dân đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân, vậy rất nhiều tỷ đồng thất thoát trong quá trình CPH được xem xét giải quyết như thế nào? ĐB đề nghị Chính phủ thanh tra làm rõ để xử lý vi phạm, thu hồi lại tiền của nhân dân bị thất thoát...
Để làm rõ thêm các vấn đề mà các ĐB nêu, chiều nay, 3 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nội vụ sẽ có phát biểu giải trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.