Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 lý do xin nghỉ việc thuyết phục bạn cần biết

Nguyễn Lý| 12/01/2021 10:22

Nếu bạn muốn kết thúc công việc hiện tại một cách êm xuôi, nhẹ nhàng, bạn cần đưa ra những lý do xin nghỉ việc thuyết phục.

Khi bạn đang chưa biết lựa chọn lý do nào để xin nghỉ việc, để trình bày trực tiếp hay gián tiếp với quản lý thì 5 lý do dưới đây là gợi ý tốt cho bạn.

Không phù hợp công việc, môi trường làm việc

Không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp thường xuyên xảy ra với rất nhiều nhân sự và tác động rõ rệt tới hiệu quả, năng suất công việc. Đặc biệt khi bạn không còn thấy phù hợp với công việc thì dễ gây trạng thái tiêu cực, ảnh hưởng tới công việc chung. Bởi vậy, bạn hoàn toàn có thể thẳng thắn đưa ra lý do này khi xin nghỉ để tìm việc làm mới.

Nếu như quản lý nhân sự hay sếp của bạn có hỏi thêm về điểm cụ thể trong lý do này, bạn nên lựa chọn những lý do xuất phát từ cá nhân của bạn: Năng lực chưa đáp ứng được công việc, thích nghi kém với văn hóa công ty...; tránh đưa ra lý do xuất phát từ công ty để có thể được sếp duyệt đơn nhanh chóng.

Hoàn cảnh gia đình

Trong các lý do xin nghỉ việc, hoàn cảnh gia đình là lý do dễ thuyết phục nhất bởi ai cũng có gia đình, có trách nhiệm cụ thể. Bởi vậy, nếu lý do thực sự của bạn là về vấn đề gia đình, bạn hãy tự tin trình bày bằng ngôn từ chân thành nhất là đã đủ để thuyết phục các sếp đồng ý với đơn xin nghỉ việc của bạn.

Vì hoàn cảnh gia đình như bố mẹ bệnh tật cần chăm sóc, con ốm, phải chuyển nơi sinh sống... là những lý do chính đáng bất khả kháng và không thể thay đổi. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc để lựa chọn lý do phù hợp, tránh trường hợp “làm quá” và lạm dụng lý do này.

Thay đổi mục tiêu nghề nghiệp

Thay đổi mục tiêu nghề nghiệp hay muốn làm việc trái ngành... là lý do dễ thuyết phục các sếp. Sẽ không sếp nào giữ chân nhân sự không có chung chí hướng, mục tiêu với công ty.

Tuy nhiên, khi đưa ra lý do này, bạn có thể chia sẻ thêm về việc chuyển hướng nghề nghiệp, mục tiêu cụ thể để các sếp thấy rõ bạn không còn phù hợp với công ty nhằm tăng tính thuyết phục cho lý do của bạn.

Kế hoạch kinh doanh riêng

Cũng giống như chuyển hướng mục tiêu nghề nghiệp, nghỉ việc vì muốn kinh doanh riêng là kế hoạch mang tính lâu dài và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn và gia đình bạn. Sau một thời gian đi làm thêm, bản thân bạn tích lũy được khối lượng kinh nghiệm, tài chính nên bạn sẵn sàng khởi nghiệp...

Đây là lý do chính đáng mà chẳng sếp nào ngăn cản hoặc giữ chân bạn, thậm chí sếp có thể sẽ tư vấn, hỗ trợ bạn trong quá trình ban đầu lập nghiệp.

Lý do cá nhân khác

Bạn có thể đưa ra lý do xin nghỉ việc khách quan mang tính cá nhân của bạn nhưng lại làm gián đoạn công việc của bạn cũng như ảnh hưởng công việc chung của công ty buộc bạn phải xin nghỉ để các sếp có kế hoạch thay thế nhân sự sao cho phù hợp. Ví dụ như:

  • Liên quan đến sức khỏe: Bạn gặp phải vấn đề sức khỏe cần khoảng thời gian nghỉ ngơi hoặc điều trị... nên bạn buộc phải nghỉ việc vì không muốn gây ảnh hưởng tới công việc.

  • Liên quan đến địa lý: Bạn chuyển nhà sang khu vực khác khiến quãng đường đi làm xa hơn. Trở ngại này làm bạn không bảo đảm tuân thủ được quy định về thời gian làm việc của công ty, gây ảnh hưởng tới quy định công ty và công việc phòng ban.
  • Kế hoạch học tập nâng cao: Bạn có kế hoạch nâng cao trình độ, chuyên môn và kỹ năng bằng cách tham gia khóa học nhất định nên buộc phải nghỉ việc vì không muốn gây xáo trộn tới chất lượng công việc, công ty.
  • Kế hoạch kết hôn, sinh con: Đây cũng là lý do thực tế được rất nhiều nhân sự chọn lựa. Nó liên quan đến cuộc sống cá nhân của bạn bởi vậy nó chẳng thể thay đổi được. Và cũng không sếp nào ngăn cản kế hoạch này, bởi vậy họ sẽ dễ dàng chấp nhận đơn xin thôi việc của bạn.

Không phải người sếp nào cũng dễ dàng chấp thuận và tin tưởng vào lý do xin nghỉ việc bạn đưa ra. Vì thế, ngoài việc lựa chọn lý do thuyết phục thì điều quan trọng là bạn hãy thể hiện sự chân thành và trách nhiệm của mình trong quá trình chuẩn bị nghỉ việc như: Bàn giao công việc, hỗ trợ nhân sự mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 lý do xin nghỉ việc thuyết phục bạn cần biết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.