(HNMO) - Tối 25-11, Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2020.
Tới dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng đại diện các bộ, ban, ngành của trung ương, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế và 124 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định, qua 17 năm, chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường thông qua 3 tiêu chí: Chất lượng; đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong. Trải qua 17 năm, chương trình đã gặt hái được rất nhiều thành tựu nổi bật, các doanh nghiệp đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam kỳ này, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động. Các hoạt động xã hội của 124 doanh nghiệp đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỷ đồng.
Kỳ xét chọn lần này được triển khai với nhiều điểm mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn nghiêm ngặt. Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020.
Tham dự và phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực cùng những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, ghi nhận những cố gắng của Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương trong chỉ đạo và triển khai thành công các hoạt động trong khuôn khổ chương trình.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, những thành tựu mà các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp cũng như tăng khả năng cạnh tranh của hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Để tiếp tục đạt được các kết quả đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp này cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số, Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng chí Trương Hòa Bình cũng yêu cầu, Bộ Công Thương cần tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, cơ chế và nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, điểm nhấn của chương trình năm nay là số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018 (97 doanh nghiệp). Số lượng các doanh nghiệp mới tham gia chương trình có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng tăng mạnh với 39 doanh nghiệp, chiếm 31,4% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.