Càng đến gần Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), vấn đề bản quyền báo điện tử vốn đã nhức nhối lại càng được quan tâm. Và mới đây, người ta lại ngã ngửa vì một “đại gia” trong làng tin tức online là 24h lại vướng phải vết xe đổ của những tờ tin
Ăn cắp tin bài trái phép, xào xáo tin bài của các báo điện tử khác, vi phạm nghiêm trọng bản quyền, tước đoạt mồ hôi công sức của những người làm báo... là tất cả những thủ thuật 24h đã làm để bước lên vị trí hàng đầu về doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam.
Trở thành “người khổng lồ” từ chôm chỉa
Những ngày gần đây, đồng loạt các Bộ, ban, ngành, các cơ quan nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố đều nhận được thông báo 1432/BTTTT-PTTH&TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo về sự việc các trang web “đội lốt” các cơ quan báo chí gây hiểu nhầm.
Thông báo 1432 mặc dù chưa đề cập cụ thể đến các cách thức tác nghiệp kiểu “bắc nồi nấu cháo” trên lưng người làm báo nhưng cộng đồng báo chí Việt Nam đều đã nhận ra việc này từ lâu. Chỉ có điều, lâu nay, làng báo vẫn thường chỉ quen quyết liệt với các vấn đề xã hội mà quên quyết liệt với chính “miếng cơm manh áo” của mình.
Doanh thu quảng cáo trực tuyến khổng lồ của 24h (tính từ tháng 4/2010 – 3/2011). Theo dự tính, trong thời gian gần đây, con số đã lớn hơn nhiều. Nguồn: Kantar Media. |
Để có một sản phẩm báo chí, những người làm nghề báo chân chính phải lăn lộn vất vả, đổ mồ hôi, thậm chí là máu. Sự dấn thân của những người làm báo luôn được xã hội ghi nhận và công sức của họ không dễ gì bị tước đoạt. |
Các tờ báo điện tử ngoài việc phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền do Đảng, Nhà nước giao phó thì hàng năm phải đầu tư một khoản tiền rất lớn, có tờ báo phải đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng cho việc duy trì đội ngũ phóng viên, biên tập viên để sản xuất tin bài. Để phát triển và chiếm được một lượng độc giả nhất định, các tờ báo điện tử đều phải tích lũy uy tín trong nhiều năm.
Để có được những tin bài nóng hổi nhất đến bạn đọc, phóng viên phải lăn lộn khắp mọi nơi, đổ mồ hôi, công sức, thậm chí là cả máu.
Tuy nhiên, phóng viên còn chưa ráo mồ hôi, bài viết còn chưa “ráo mực” thì trong tích tắc đã bị đội ngũ “xào xáo viên” chuyên ngồi máy lạnh của công ty quảng cáo 24h chôm chỉa và đưa lên website 24h.com.vn. Chỉ một thao tác “copy-paste” là 24h đã có cho mình một sản phẩm. Trang web này chỉ cần đầu tư phát triển công nghệ, lôi kéo độc giả và cứ thế là quảng cáo, thu tiền.
Và những người làm báo vốn sẵn trong mình bản tính của “dân viết lách, dân chữ nghĩa” nên cũng không mấy khi quan tâm đến chuyện kinh tế, không chú ý đến chuyện bị các công ty quảng cáo như 24h xà xẻo sức lao động.
Vậy là họ “bỏ qua” - đây chính là điều kiện để website của các công ty quảng cáo kiểu như 24h “bắc nồi nấu cháo nấu trên lưng người làm báo” để kiếm bộn tiền và sống vương giả. Có một điều chắc chắn là doanh thu của 24h cao hơn đa số các tờ báo điện tử, cuộc sống của các nhân viên 24h nhàn nhã, không vất vả hơn những người làm báo.
Đáng nói hơn là việc ăn cắp này công khai, ngang nhiên chứ... không thèm lén lút. Ông Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24h từng lên báo tự hào tuyên bố về việc hướng đến thị phần quảng cáo online hàng đầu, cạnh tranh miếng bánh quảng cáo với các trang báo điện tử lớn và chính thống như VnExpress, Dân trí, VietNamNet…
Theo thống kê của một hãng truyền thông thì doanh thu quảng cáo của 24h thậm chí còn vượt cả Dân trí, VietNamNet, Tuổi trẻ Online, Thanh niên Online…
Công nghệ “đạo bài” của 24h
Cũng như các trang tin chuyên “ăn cắp” tin bài, 24h.com.vn cũng áp dụng triệt để chiêu này. Cuối mỗi bài viết chỉ có 1 dòng tên nguồn rất nhỏ và ở vị trí rất khó để thấy. Thậm chí còn ghi nguồn theo kiểu “24h.com.vn (Theo VTC News)”
Nghiêm trọng hơn là việc lấy các tin bài này không có sự xin phép với nguồn tin. Một loạt các tờ báo chính thống như Tiền Phong, Giáo dục Việt Nam, VTC News, Khoa học & Đời sống… đều bị 24h “chôm chỉa”. PetroTimes cũng từng là nạn nhân của 24h. Giữa 24h và PetroTimes không có bất cứ sự hợp tác nào và việc 24h tự ý sử dụng tin bài của PetroTimes là trái phép.
PetroTimes đã liên hệ với người đứng đầu các báo điện tử lớn như VTC News, Kiến thức hay Giáo dục Việt Nam… đều nhận được lời khẳng định là: Không có bất cứ sự hợp tác nào với 24h và việc 24h lấy tin bài là chưa xin phép. Những người đứng đầu các tờ báo này cho biết, rất có thể họ sẽ kiện 24h ra tòa.
Nguy hiểm hơn, 24h còn “xào xáo” lại tin bài của các tờ báo điện tử khác, đổi title, “thêm mắm thêm muối” đến mức tác giả khó có thể nhận ra đây là "đứa con tinh thần" của mình.
Những nội dung sex, shock, rẻ tiền... được 24h khai thác triệt để, kể cả trong mục "Thông tin doanh nghiệp" |
Như bài viết “Thế giới quý bà "khát tình"” được đăng tải trên 24h.com ngày 26/5. Trên thực tế, đây là bài viết được “xào” lại từ 2 bài Góc nhìn: Thế giới quý bà "thác loạn khát tình" của báo Thể thao văn hóa (26/5) và bài Xâm nhập thế giới "khát tình" của các quý bà thác loạn của Gia đình & Xã hội (26/5).
Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu rất rõ trong thông báo 1432 nhưng trên trang web 24h.com.vn và Eva.vn, dưới mỗi bài viết, đều dành phần comment (bình luận) cho độc giả và có nút like, share lên các mạng xã hội khác. Đấy là chưa kể đến nội dung của 24h và Eva đề cập đến quá nhiều chuyện phòng the, giật gân, rẻ tiền, câu khách.
Ngang nhiên xà xẻo sức lao động của người khác, đánh cắp mồ hôi công sức của những người làm báo – đó là cách để 24h giành giật thị phần quảng cáo. Việc làm này cũng đủ thấy, 24h là một “người khổng lồ” không minh bạch.
Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: "24h dưới góc nhìn của các Tổng biên tập"
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.