UBND huyện Phúc Thọ và các xã có đê đã chủ động xây dựng các phương án, sẵn sàng chủ động mọi tình huống khi nước sông dâng cao; đồng thời, triển khai các đội hình trực 24/24h tại điếm canh đê và trụ sở UBND xã, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trưa 11-9, trên địa bàn huyện Phúc Thọ tiếp tục có mưa nặng hạt, nước trên sông Hồng và sông Tích đều đang ở mức cao, trong đó, nước sông Tích ở mức trên báo động số 3.
Hiện, UBND huyện và các xã có đê đã chủ động xây dựng các phương án, sẵn sàng chủ động mọi tình huống khi nước sông dâng cao; đồng thời, triển khai các đội hình trực 24/24h tại điếm canh đê và tại trụ sở UBND xã, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, huyện đã và đang tập trung di dân tại các vùng ven sông và bãi sông. Tại xã Tích Giang đã tổ chức di dời 35 người gồm người già và trẻ em của xóm Đồi Ó đến khu vực nhà dân trong đê. UBND xã Tích Giang tiếp tục theo dõi và đã có phương án sơ tán dân khi cần thiết.
Tại xã Vân Hà - đây là xã nằm hoàn toàn ngoài đê sông Hồng, qua rà soát, chính quyền và các hội đoàn thể địa phương đã vận động và giúp nhân dân di chuyển 50 con lợn, bò; 331 con gà vịt về nơi an toàn.
Xã Sen Phương cũng đã di chuyển 50 trâu, bò của các hộ gia đình ở khu vực bãi sông do nước sông Hồng lên cao đến vị trí cao hơn để bảo đảm an toàn. UBND các xã này cũng xã đã xây dựng phương án sơ tán dân, chủ động sơ tán khi cần thiết.
Hiện tại, Phúc Thọ còn một số xã, như: Xuân Đình, Vân Phúc, Vân Nam, Hát Môn, Trạch Mỹ Lộc, Sen Phương có nguy cơ ngập úng khi nước sông lên cao. Địa phương đã xây dựng phương án, sẵn sàng chủ động sơ tán khi cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.