Giữa tháng 4 vừa qua đã xảy ra vụ đồng loạt 19 học sinh tại bang Telangana của Ấn Độ tự tử sau khi kết quả thi chất lượng lớp 12 được công bố.
Cơ hội trúng tuyển Đại học Ấn Độ phụ thuộc vào kết quả bài thi chất lượng lớp 12. Ảnh: CNN |
Theo kênh truyền hình CNN, cuộc thi chất lượng quốc gia dành cho các học sinh lớp 12 để lấy điểm xét tuyển vào đại học đang nhận được nhiều ý kiến chỉ trích từ dư luận Ấn Độ. Hàng trăm vị phụ huynh đã xuống đường biểu tình phản đối cách chấm điểm và đánh giá các bài thi, cho rằng kết quả chấm sai khiến nhiều học sinh trượt đại học.
Một số học sinh cho biết các em có dự thi nhưng lại bị chấm là vắng mặt. Có trường hợp các em bị chấm điểm 0 cho một số môn đã hoàn thành.
Các phụ huynh đổ lỗi cho Hội đồng Giáo dục Bậc trung học, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi và chấm thi, cũng như chính quyền bang Telangana, vì sự việc đáng tiếc xảy ra.
“Tất cả đều là không may. Mọi người không nên có những suy nghĩ cực đoan như vậy. Lỗi sai có thể xảy ra ở một vài mức độ nào đó. Nhưng những sai sót đó có thể được kiểm tra lại và khắc phục”, Jitender – một quan chức cảnh sát cấp cao chia sẻ.
Chính quyền bang Telangana đã nhiều lần yêu cầu phụ huynh nộp đơn phúc tra điểm lên Hội đồng Giáo dục nếu nghi ngờ có sự bất thường trong kết quả thi của con em mình. Trong trường hợp có sự khác biệt được tìm thấy, kết quả sẽ được chấm lại.
Tuy nhiên, tại Telangana, kể từ khi kết quả kỳ thi công bố hôm 18-4, mỗi ngày cảnh sát lại nhận được từ 2 đến 3 vụ báo tự tử, cảnh sát Jitender cho biết. "Chúng tôi đang kiên trì giáo dục nhận thức, nhưng thực tế, người thì đông… còn việc tiếp cận của chúng tôi rất hạn chế”.
Các chuyên gia chỉ trích hệ thống giáo dục Ấn Độ còn rất lạc hậu và nhiều thiếu sót. Tại nước này, học sinh sinh viên phải chịu áp lực nặng nề không chỉ để vượt qua các kỳ thi mà còn phải tốt hơn mong đợi.
Theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia, hàng nghìn thanh thiếu niên ở Ấn Độ tử vong do tự tử mỗi năm. Trong năm 2015, số thanh thiếu niên tự tử chiếm 6,7% tổng số vụ tự tử trên cả nước, với tổng số gần 9.000 người tử vong. Một số chuyên gia, phụ huynh và quan chức đổ lỗi do áp lực phải học giỏi và đạt thành tích tốt ở trường là nguyên nhân dẫn tới thực trạng đau lòng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.