Theo dõi Báo Hànộimới trên

137ha, chuyện nhỏ?

Hoàng Thu Vân| 20/07/2011 07:10

(HNM) - Giữa Hà Nội nghe câu nói


Đằng này gần 140ha, tức là gần 1,4 triệu mét vuông. Không biết trên diện tích ấy có thể xây được bao nhiêu tòa chung cư, bao nhiêu hộ gia đình nghèo, gia đình thu nhập thấp có thể thỏa mãn nhu cầu về chỗ ở ? Vẫn biết, mọi sự so sánh bao giờ cũng khập khiễng!

Gần 1,4 triệu mét vuông đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên chỉ là phần diện tích dự định thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong hàng nghìn, hàng vạn dự án đã, đang và sẽ thực hiện trên dải đất hình chữ S này.

Chủ đầu tư dự án phát biểu với báo giới: Quan điểm của chúng tôi là làm thế nào để vừa có hiệu quả đầu tư, cũng vừa phải bảo đảm lợi ích chung. Một phát biểu hết sức chuẩn mực và nếu như vậy thì chả có điều gì đáng nói...

Theo quy định, những dự án có tác động đến môi trường thì chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn làm báo cáo đánh giá. Và trong hai dự án này, đơn vị được thuê tư vấn là Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam. Theo một thành viên của đơn vị tư vấn thì tiền thuê chủ đầu tư phải trả cũng không nhiều, chỉ có... 420 triệu đồng. Để làm báo cáo, đơn vị tư vấn đã phải cử một đoàn gồm 3 người đi khảo sát diện tích 137ha trong vòng một tuần. Và trong một tuần đó thì mất 3 ngày bị lạc trong rừng...

Cuối cùng một báo cáo vẫn hoàn thành. Nhưng trong báo cáo đó, người ta phát hiện có quá nhiều sai sót, trái ngược với thực tế, thậm chí có những phần là sao chép những tài liệu đã công bố. Với cách làm như thế thì kết quả thu được như thế cũng không phải là điều ngạc nhiên. Vả lại nói thẳng ra, nếu báo cáo được lập không phù hợp với "tư duy" của nhà đầu tư thì ai trả tiền cho đơn vị tư vấn? Tuy nhiên những người có trách nhiệm của đơn vị tư vấn lại cho rằng, tùy theo quy mô, tính chất công trình, sẽ có Hội đồng tư vấn cấp bộ hoặc cấp tỉnh thẩm định. Cụ thể với hai dự án này, báo cáo của đơn vị tư vấn sẽ được Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường) thẩm định lại. Phải chăng vì thế mà báo cáo được lập là cho có và để đủ hồ sơ trình cấp có thẩm quyền? Một số người làm việc ở các đơn vị tư vấn, có chức năng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án còn cung cấp thêm cho báo giới: Hầu như những thành viên của Hội đồng thẩm định trong các dự án đều không đi thực địa, không nắm được thực chất của vấn đề và phần nhiều chỉ dựa vào báo cáo của đơn vị tư vấn được chủ đầu tư thuê để làm căn cứ. Rồi trước mỗi cuộc họp, các thành viên của Hội đồng thẩm định thường được chủ đầu tư và đơn vị tư vấn ghé thăm để tiện "trình bày" những "nội dung" mà báo cáo khó có thể nói hết. Cái này, dân gian thường gọi là "bôi trơn" Hội đồng thẩm định...

Chắc chắn với sự việc này, việc đánh giá tác động của dự án đến môi trường dù là của đơn vị tư vấn hoặc Hội đồng thẩm định sẽ được thực hiện nghiêm túc và xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm lợi ích chung. Song qua đây chúng ta cần xem xét lại quy định về những đánh giá liên quan đến tác động môi trường của mỗi dự án cùng quy trình thẩm định. Có như vậy báo cáo của các đơn vị tư vấn mới độc lập, khách quan, tránh được tình trạng vừa "đá bóng vừa thổi còi" hoặc những tiêu cực xảy ra ở các khâu trong phê duyệt dự án. Nếu không, cứ để việc đã rồi thì những mất mát, thiệt hại về môi trường chắc chắn sẽ không thể khắc phục được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
137ha, chuyện nhỏ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.