Theo dõi Báo Hànộimới trên

100 tỷ đồng thấm vào đâu?

Trung Hưng| 08/11/2015 06:36

(HNM) - Tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vừa diễn ra, nhiều thông tin rất đáng báo động: Trong quá trình xây dựng dự án, các địa phương chưa đánh giá đầy đủ tác động đối với môi trường lưu vực sông, chưa xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh,

Nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc đã có nhưng không vận hành hay vận hành không thường xuyên để đối phó, thậm chí còn bằng thủ đoạn xây dựng hệ thống xả thải bí mật ngoài thiết kế đã được phê duyệt, thẩm định để xả nước thải chưa qua xử lý, chưa đạt tiêu chuẩn. Vì thế, hệ thống lưu vực sông này phải "chịu đựng" trên 4.500 điểm xả thải từ nhiều nguồn khác nhau mỗi ngày với khối lượng chừng 480.000m3. Trong thời gian từ năm 2013 đến tháng 11-2015,lực lượng Cảnh sát Môi trường 11 địa phương ở lưu vực đã phát hiện 2.116 vụ và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 100 tỷ đồng...

Điều đáng nói, ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai không phải mới xảy ra mà đã kéo dài nhiều năm mà một trong những vụ "đình đám" liên quan cái tên Vedan. Điều cần nhắc lại ở đây là sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn, ảnh hưởng đến hơn 15 triệu dân của 11 tỉnh, thành phố; đồng thời, gắn liền với sinh kế của hàng trăm nghìn hộ dân. Trong khi những thiệt hại về môi trường chưa thể định lượng cũng như định tính được thì thiệt hại kinh tế trước mắt của hàng trăm nghìn hộ dân đã rõ ràng.

100 tỷ đồng tiền phạt nêu trên thấm vào đâu so với hậu quả của quá trình đầu độc hệ thống lưu vực sông này? 100 tỷ đồng nêu trên thấm vào đâu so với nguồn lợi bất chính mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thu được nhờ cố tình bỏ qua các quy chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động?

Vấn đề đang xảy ra tại lưu vực sông Đồng Nai cũng là thực tế xảy ra với không ít lưu vực sông tại nhiều địa phương trên cả nước. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững, lâu dài là cảnh báo rất đáng suy ngẫm được đưa ra tại hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV tổ chức cách đây chưa lâu. Những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường là rất rõ ràng khi ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn gia tăng; nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, tính khả thi chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe, cơ quan chức năng thực thi pháp luật chưa nghiêm...

Nhìn lại những thông tin được đưa ra tại phiên họp lần thứ 9 đề cập ở đầu bài viết, những hạn chế, yếu kém này là không thể phủ nhận. Tại sao các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể qua mặt hàng loạt cơ quan chức năng (ngành Tài nguyên - Môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở…) để có thể thực hiện những hành vi như "không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hệ thống xử lý chất thải", lắp đặt "hệ thống xả thải bí mật"..? Tại sao 4.500 điểm xả thải lại có thể dễ dàng hoạt động? Đặc biệt, ngay cả một số địa phương còn "chưa đánh giá đầy đủ tác động môi trường"? Câu trả lời có lẽ đã có: Trong khi quy định pháp luật về môi trường còn chồng chéo, thiếu tính khả thi thì đáng lo ngại là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, thậm chí đến năm 2025 có thể gấp 4-5 lần. Tính trung bình, cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Tức là tất cả những gì chúng ta nỗ lực làm ra sẽ bị ô nhiễm lấy lại, thậm chí lấy nhiều hơn phần làm ra.

Yếu tố ô nhiễm còn đáng sợ ở chỗ để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe và chất lượng giống nòi. Ở bình diện cả nước, chắc chắn số tiền phạt vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sẽ lớn hơn rất nhiều lần con số 100 tỷ đồng trên, nhưng cũng chắc chắn là số tiền phạt đó không thấm vào đâu so với những gì đã và đang bị ô nhiễm môi trường phá hoại, cướp đi. Điều cần làm ngay là phải có chế tài xử lý thật nặng không chỉ đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường mà với cả đội ngũ cán bộ "thực thi pháp luật chưa nghiêm" khi lỏng lẻo công tác quản lý, xử lý vi phạm, thậm chí làm ngơ hoặc tiếp tay vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
100 tỷ đồng thấm vào đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.