(HNMO)- Sáng 26-12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường.
Nghị quyết số 41-NQ/TW đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở thành phố Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã thực sự đi vào đời sống.
Cụ thể, công tác bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng được nâng cao, đã huy động được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị xã hội vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp không nguy hại đạt 85 – 90% (tương đương 549 – 581 tấn/ngày và xử lý khoảng 382 – 405 tấn/ngày); rác thải công nghiệp nguy hại được thu gom đạt 60 – 70% tỷ lệ phát sinh và được xỷ lý tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn và các cơ sở xử lý khác; 100% lượng rác thải y tế được thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý theo quy định; công tác xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện và làng nghề ngày càng được tăng cường;…
Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tập trung giải quyết. Từ năm 2003 - 2008, thành phố đã chủ động rà soát và hướng dẫn di chuyển 142 cơ sở gây ô nhiễm. Đến nay, đã lập danh sách 422 cơ sở sản xuất thuộc 17 ngành nghề cần phải di dời bằng các hình thức chuyển mục đích sử dụng đất hoặc di dời đến các khu cụm công nghiệp, trong đó đã di dời được 41 cơ sở. Đáng nói, toàn bộ 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của thành phố đã khắc phục xong và được chứng nhận xử lý triệt để theo quy định.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm còn nhiều bất cập: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên thiên nhiên của nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa cao; Một bộ phận nhân dân chưa có ý thức trong bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học dẫn đến tình trạng đổ rác thải, phế thải không đúng nơi quy định vẫn còn, nhất là phế liệu xây dựng; Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường còn thiếu và yếu…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh biểu dương những kết quả mà các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW. Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh, kết quả chưa tương xứng với công sức bỏ ra, chưa đáp ứng nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và nhu cầu của người dân được sống trong môi trường trong lành.
Sông Nhuệ đang "kêu cứu"...! |
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41 và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, các quy định bảo vệ môi trường. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường…
Nhân dịp này, Thành ủy đã tặng bằng khen cho 16 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.