(HNM) - Cứ mỗi độ thu về, dân tộc Việt Nam lại bồi hồi nhớ đến Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, cũng là 45 năm Bác lên đường nhẹ gót tiên, theo thế giới người hiền.
Cứ mỗi độ thu về, dân tộc Việt Nam lại bồi hồi nhớ đến Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, cũng là 45 năm Bác lên đường nhẹ gót tiên, theo thế giới người hiền. Ánh hào quang của Người vẫn tỏa lan sông núi. Tấm gương sáng ngời về đạo đức của Người vẫn soi rọi cho mỗi con cháu cùng nhau tiến lên.
Các em học sinh tham quan Nhà sàn Bác Hồ tại di tích Phủ Chủ tịch.Ảnh: Đình Trân |
Trong những ngày cuối thu năm nay, chúng tôi là cựu giáo viên Trường Phổ thông cấp 3 Thọ Xuân 1 (nay là THPT Lê Lợi) được các học trò cũ cách đây 42 năm (khóa 1972 - 1975) mời vào thành phố mang tên Bác. Các cựu HS yêu quý thuở nào đã đưa chúng tôi về thăm Bến Nhà Rồng, đúng nơi cách đây 103 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ kính yêu của chúng ta - ra đi tìm đường cứu nước. Bồi hồi xúc động khôn tả, chúng tôi bước vào phòng đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp một nén hương thành kính dâng lên Người... khói hương lan tỏa hòa trong tiếng nhạc da diết của bài Thăm bến Nhà Rồng làm không khí càng trở nên trầm mặc và thiêng liêng hơn...
Con tàu Đô đốc Latouche - Tréville đã đưa Nguyễn Văn Ba - Một con người nhỏ bé nhưng có đôi mắt sáng tràn đầy nghị lực của một nước đang chìm đắm trong ách nô lệ đến tận góc biển chân trời xa lạ để tìm hình của nước. Khắp nẻo đường Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ đã in dấu chân và bóng hình của một Nguyễn Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc với đủ công việc nhọc nhằn: khi thì làm phụ bếp, có khi lại viết báo ở Paris nơi mùa đông băng giá lạnh thấu xương, chỉ có viên gạch hồng bọc báo để sưởi ấm; có khi đến Châu Mỹ ở một chân trời xa lạ... Cho đến khi tìm được luận cương của Lênin về vấn đề giải phóng các nước thuộc địa thì Bác một mình reo to trong phòng: Đây chính là con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức xiềng gông nô lệ!
Sau 30 năm đi hết góc biển chân trời, Người mới đặt chân trở lại mảnh đất địa đầu Tổ quốc - Pắc Bó (Cao Bằng). Người đã hôn lên mảnh đất yêu quý của Tổ quốc mình để sau đó bốn năm đã lãnh đạo Đảng ta chỉ với hơn 5.000 đảng viên đã cùng hàng triệu người Việt Nam làm cuộc Cách mạng dân tộc Dân chủ vĩ đại nhất ở Đông Nam Á: Cách mạng Tháng Tám. Sau đó 9 năm, vào ngày 7-5-1954, Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã chỉ đạo quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Kể từ đó Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng chiến thắng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cũng sau mốc son lịch sử Bác đặt chân lên quê hương Cách mạng Cao Bằng 34 năm, chiến dịch mang tên một con người Việt Nam đẹp nhất - Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - đã đưa Việt Nam toàn thắng trước một đế quốc hùng mạnh nhất thời đại ngày nay, giành trọn vẹn thống nhất cho cả non sông Việt Nam ngàn lần yêu dấu.
Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh năm nay, tôi lại vào Lăng viếng Bác, cứ như những người con nhớ quê lại tìm đường thăm quê vậy. Mới hơn 8h sáng mà từng đoàn người ở khắp mọi miền Tổ quốc, người nước ngoài đã đổ về khu vực Lăng Bác đông như trẩy hội. Chúng tôi xếp hàng tận cuối phố Ngọc Hà để chờ được viếng Người. Đứng cạnh tôi là một bạn còn khá trẻ tên là Thành, quê ở Nghệ An, ra Thủ đô mưu sinh và lập gia đình từ nhiều năm nay. Cậu ấy nói: Mỗi năm em vào viếng Bác ba bốn lần vào những dịp ngày lễ, Tết. Em quan niệm “Bác chính là vị Thánh” trong lòng dân Đất Việt và Xứ Nghệ của em...
Dòng người cứ nhích lên mãi và phía sau lại được lấp đầy bởi những đoàn người ở các tỉnh xa mới về. Đoàn người chầm chậm bước đi theo lời ru của câu hát: Bác nằm trong Lăng giấc ngủ bình yên. Như một vầng trăng sáng trong dịu hiền... và Đoàn người đi trong thương nhớ. Kết thành vòng hoa kính dâng 79 mùa Xuân… tự nhiên tôi lại hồi tưởng lại những ngày đầu tháng 9 cách đây gần tròn 45 năm - lúc Bác vừa đi xa. Tôi cũng là một trong số hàng chục nghìn người dân Thủ đô và các tỉnh được hòa vào dòng người viếng Bác tại Hội trường Ba Đình. Cả một hội trường mênh mông những vòng hoa, những tiếng nức nở nghẹn ngào của người lớn hòa cùng tiếng khóc vỡ òa của các em thiếu nhi, những giọt lệ lăn dài trên má những cụ cao niên…; mùi trầm hương ngào ngạt lan tỏa trong điệu nhạc buồn… Người nằm đó, vầng trán thanh thản như vừa thiếp đi sau một ngày làm việc căng thẳng… Dưới chân Người là đôi dép cũ nặng công ơn… Ai cũng cố ngoái lại để ghi tạc hình ảnh của Người vào tâm khảm. Thế mà đã 45 năm trôi qua! Lần viếng Bác năm ấy, tôi mới tròn 20 tuổi, là một sinh viên năm thứ ba một trường đại học lớn của miền Bắc. Đến nay tôi đã tuổi sáu lăm. 45 năm qua và cho đến tận bây giờ tôi vẫn tận tụy với nghề trồng người như Bác dạy. Tôi vẫn luôn tự nhủ thầm: Phải dạy thế nào để học sinh các thế hệ luôn yêu quý Bác, ghi nhớ công lao trời biển của Bác với dân tộc và học tập đạo đức sáng ngời của Bác; phải sống sao cho xứng đáng là một người con của quê hương Người…
Sau khi viếng Bác, chúng tôi lại đi trên con đường xoài hoa trắng nắng đu đưa râm mát, thăm Ao cá Bác Hồ rồi theo nhau bước lên ngôi nhà sàn đơn sơ của Bác. Lòng mỗi người vô cùng xúc động trước sự giản dị đến tột bậc trong nơi ở của một vị lãnh tụ. Kim đồng hồ vẫn chỉ 9h47 là thời khắc Bác đã lên đường nhẹ gót tiên… Đó cũng là thời khắc hết sức linh thiêng Người ra đi vào cõi vĩnh hằng sau đúng ngày cách đó 24 năm Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).
Thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi xúc động xem những hình ảnh, những thước phim tư liệu dõi theo chân Bác từ lúc dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), đến ngày ra đi tìm đường cứu nước ở bến cảng Nhà Rồng của Sài Gòn cách đây vừa tròn 103 năm, chợt nhớ tới câu hát từ thành phố này Người đã ra đi... Ngày nay thành phố mang tên Người đã trở thành một trung tâm kinh tế năng động vào bậc nhất cả nước.
Đầu tháng 6-1968, khoảng nửa tháng sau kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc làm và xuất bản loại sách Người tốt việc tốt. Bác hỏi: “Các chú có biết rằng dân tộc ta vĩ đại, Đảng ta vĩ đại, ta được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi là vì cái gì không? Vì cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người”. Và Bác căn dặn: “Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy. Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người...”.
Trong Di chúc thiêng liêng (1969) mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Bác nhấn mạnh cần giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình... Đảng ta phải xứng đáng là người lãnh đạo, Người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Muốn vậy phải tiếp tục thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, trở thành người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của Việt Nam.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử chính là biểu tượng cao đẹp nhất mà cả dân tộc ta và nhân loại tôn vinh một vĩ nhân đã cả một đời vì nước vì dân để lại tấm gương sáng ngời cho muôn đời con cháu. Cứ mỗi độ Hè về - kỷ niệm sinh nhật Người và Thu sang - kỷ niệm ngày Người mãi đi xa, chúng ta vào Lăng viếng Bác, thăm nơi ở và làm việc của Người... Âu đó cũng là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Đất Việt dành cho một Con Người vĩ đại đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, cho non sông đất nước ta. Chân lý giản đơn của Người Không có gì quý hơn độc lập, tự do, tư tưởng của Người là tài sản vô giá về tinh thần để lại cho dân tộc ta, là kim chỉ nam và là ngọn đuốc thiêng soi đường cho dân tộc ta trong thời đại vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.