Chính trị

45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2024):Gác lại quá khứ - Hướng tới tương lai

Lê Mỹ An 17/02/2024 10:34

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc nổ ra, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cả hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và phát triển đất nước.

Hơn bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước.

Truyền thống hào hùng, chiến thắng vẻ vang

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã minh chứng, nhân dân Việt Nam có truyền thống đoàn kết, luôn mong muốn chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc, nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng đứng lên đánh bại mọi kẻ thù xâm lược nếu một tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm.

Truyền thống đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 chính là biểu tượng cho truyền thống yêu nước, quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc bắt đầu nổ súng tiến công xâm lược Việt Nam. Ngày 18-2-1979, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc, trong đó kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc[1].

Tiếp đó, nhằm ngăn chặn kịp thời sự mở rộng tiến công xâm lược của Trung Quốc, ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định Tổng động viên lực lượng để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa[2]. Trước những tổn thất lớn về lực lượng và bị dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ[3], ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đến ngày 18-3-1979, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc cơ bản quân Trung Quốc đã rút khỏi đất Việt Nam[4].

Hai ngày sau (20-3-1979), Báo Nhân dân đăng Thông cáo của Bộ Quốc phòng về kết quả của cuộc chiến đấu từ ngày 17-2-1979 đến ngày 18-3-1979, nhiệt liệt biểu dương các lực lượng vũ trang nhân dân và đồng bào các dân tộc các tỉnh biên giới phía Bắc đã lập chiến công đầu xuất sắc, hoan nghênh quân và dân cả nước cùng kiều bào ở nước ngoài đoàn kết, tích cực cùng tiền tuyến đánh bại quân xâm lược[5].

Hướng tới tương lai tốt đẹp giữa hai dân tộc

Sau cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trải qua nhiều bước thăng trầm. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980, trước những biến đổi mới của tình hình quốc tế, tình hình mỗi nước, hai nước bắt đầu tiến trình đưa quan hệ trở lại quỹ đạo bình thường hóa.

Tại Việt Nam, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước và nắm bắt xu thế chung của thế giới, Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) đã quyết định tiến hành công cuộc Đổi mới. Nhằm tạo dựng môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định cho công cuộc Đổi mới tiến hành thuận lợi, việc bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, trước hết là với Trung Quốc trở thành một yêu cầu cấp thiết có tính chiến lược.

Theo đó, sau một thời gian với sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, năm 1991, nhận lời mời của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đi thăm chính thức Trung Quốc. “Thông cáo chung” được công bố sau chuyến thăm nêu rõ: Hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.

Cũng trong chuyến thăm này, hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã khôi phục quan hệ bình thường theo các nguyên tắc: Độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Có thể nói, với tinh thần “Gác lại quá khứ/Hướng tới tương lai”, bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là kết quả của sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, đáp ứng nguyện vọng cơ bản, lâu dài và chính đáng của nhân dân hai nước cũng như yêu cầu của công cuộc đổi mới và cải cách của hai Đảng, hai nước; đồng thời, phù hợp với xu thế chung của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Từ sau khi bình thường hóa năm 1991, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, toàn diện và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực cả chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng và an ninh; cả cấp độ Trung ương và địa phương, nhất là các tỉnh biên giới giữa hai nước; cả ngoại giao chính thức Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân… Qua đó, góp phần củng cố và phát huy truyền thống hữu nghị của nhân dân hai nước, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước.

Cho đến nay, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục xu hướng mở rộng tích cực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 và lớn nhất trong khu vực ASEAN của Trung Quốc. Trung Quốc đứng thứ 6 trong số 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

cdnmedia.baotintuc.vn-upload-ond64xljqhpdjlq2gd1dpw-files-2023-12-_don-121223b.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Đặc biệt, cuối năm 2023, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ ba của đồng chí Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm diễn ra một năm sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc. Nhìn chung, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai Đảng, hai nước; khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai nước đối với việc củng cố quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển vững chắc, ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.

cdnmedia.baotintuc.vn-upload-a7srthwxbojbcucvuwgnxa-files-2023-12-12-_hoi-dam-121220232.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhìn lại quá trình phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước, nhất trí cho rằng tình hữu nghị truyền thống vừa là đồng chí, vừa là anh em do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần không ngừng kế thừa và phát huy.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá 15 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay và với phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện; quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức trà. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, từ việc coi trọng cao độ quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, với những thành tựu của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong 15 năm qua và trước những yêu cầu mới, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Thành công đó là minh chứng sống động cho tinh thần cùng “Gác lại quá khứ/Hướng tới tương lai” giữa Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn địnhở khu vực và trên thế giới.

Đôi điều ngẫm suy

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc nổ ra, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cả hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và phát triển đất nước.

Hơn bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước.

Xe chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: TTXVN

Lịch sử là một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 nhắc nhở chúng ta rằng: Chỉ được phép “Gác lại quá khứ” để “Hướng tới tương lai” tốt đẹp chứ không được “Khép lại quá khứ”. Thực tiễn cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine và Isarel - Hamas…, chúng ta đã thấy rõ chủ trương “Gác lại quá khứ/Hướng tới tương lai” của Đảng, Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Đồng thời, chúng ta phải tiếp tục thấu suốt bài học đề cao cảnh giác, tự lực tự cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc...; luôn tỉnh táo ngăn chặn và đẩy lùi những tư tưởng, hành động gây phương hại tới mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển rất tốt đẹp.

Sau 45 năm, nhìn lại sự kiện lịch sử này cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân sâu sắc tới các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ và đồng bào đã cống hiến, hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Là đất nước đi lên từ đau thương, đạn bom, khói lửa của chiến tranh, hơn ai hết nhân dân Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, tự do. Với tinh thần “Gác lại quá khứ/Hướng tới tương lai”, chúng ta đã bắc một nhịp cầu qua cái hố đau thương của CHIẾN TRANH, cùng nhau xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển bền vững!

*****

[1] Báo Nhân Dân, ngày 18-2-1979, tr.1.

[2] Cùng ngày, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 83-CP quy định mọi công dân (nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi) có đủ điều kiện gia nhập dân quân du kích tự vệ; thực hiện chế độ làm việc và luyện tập quân sự, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

[3] Trong quá trình diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn giới. Các tổ chức quốc tế như Hội đồng hòa bình thế giới, Liên hiệp Công đoàn thế giới, Liên hiệp Thanh niên Dân chủ thế giới đều tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc và kêu gọi ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị quốc tế khẩn cấp ủng hộ Việt Nam họp ở Henxinhki (thủ đô Phần Lan) từ ngày 6 đến 8-3-1979 gồm đại biểu hơn 100 nước và 30 tổ chức quốc tế tham dự đã lên án hành động gây chiến tranh, đòi Trung Quốc rút quân đội ra khỏi Việt Nam và đề ra Chương trình hành động quốc tế đoàn kết, bảo vệ Việt Nam.

[4] Tuy nhiên, quân Trung Quốc vẫn tiếp tục cho lực lượng chiếm đóng một số cao điểm sát biên giới trên các hướng Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, có nơi sâu vào lãnh thổ Việt Nam từ 1km đến 2km, tiếp tục gây tình hình căng thẳng ở biên giới trong suốt 10 năm sau đó.

[5] Báo Nhân Dân, ngày 20-3-1979, tr.4.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2024): Gác lại quá khứ - Hướng tới tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.