Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yên Trường ăn đong… từng "bữa nước"

Minh Phú| 20/04/2014 06:39

(HNM) - Hà Nội đã bắt đầu bước vào những ngày hè, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao.

Cả thôn Yên Trường có 1.400 hộ với khoảng 6.000 nhân khẩu, chia làm 9 xóm; trong đó 70% hộ dân không có nước ngầm và phải đi mua. Ông Nguyễn Gia Tứ, Trưởng thôn Yên Trường phân trần: "Nhà không thiếu gạo, chỉ thiếu nước. Chúng tôi phải "ăn đong" nước từng bữa chẳng khác nào nhà nghèo lo đong gạo". Chuyện thiếu nước sinh hoạt ở Yên Trường đã diễn ra gần chục năm và ngày càng gay gắt hơn, nhất là ở các xóm Trung Tiến, An Ninh, Bình Minh, Tân Minh… có đến 80% số hộ không có nước từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau.

Nhiều hộ dân Yên Trường phải chi cả triệu đồng tiền nước mỗi tháng.


Năm nay, mưa muộn, đến nay người dân cả thôn vẫn phải mua nước về dùng. Gia đình ông Tứ chính là điển hình của việc thiếu nước sinh hoạt. Theo nhẩm tính của ông Tứ, với 7 khẩu ăn, nếu sử dụng hết sức tiết kiệm, 4 ngày, hết 1m3 nước và mỗi tháng phải chi hết cả triệu đồng để mua nước. Muốn ăn rau cần, rau muống cũng phải nhịn, bởi không có nước rửa...

Ông Nguyễn Gia Kim, ở xóm An Ninh cho biết, gia đình ông đã phải xây một bể chứa đến 15m3 để tích nước mưa sử dụng cho cả năm. Thế nhưng không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện xây bể nước to. Chủ tịch UBND xã Trường Yên Nguyễn Gia Dư cho biết, đến nay 100% hộ dân thôn Yên Trường nói riêng và xã Trường Yên nói chung vẫn sử dụng nước giếng khơi. Một vài hộ đã khoan giếng sâu 50m nhưng đều vấp phải đá và không có nước. Đối với giếng khơi, cũng phải đào sâu 15 đến 20m mới có nước. "Chi phí cho một giếng đào không hề rẻ. Nếu tính cả gạch và xi măng, để đào được 1 cái giếng phải chi 10 đến 15 triệu đồng. Có gia đình đào giếng không có nước, lại tiếp tục đào cái thứ 2 nên rất tốn kém. Trong khi mỗi giếng cũng chỉ có nước sử dụng 5-6 tháng vào mùa mưa. "Trước đây, xã Trường Yên vốn được coi là "thủ phủ" của nghề mây, giang đan xuất khẩu, đời sống người dân khá giả nhờ nghề truyền thống. Tuy nhiên, gần đây làng nghề khó khăn, việc làm thiếu, thu nhập giảm, nay lại gánh thêm giá nước đắt đỏ càng thêm khó khăn" - ông Dư cám cảnh.

"Có cầu ắt có cung", đi khắp thôn Yên Trường không khó để bắt gặp những chiếc biển quảng cáo rao bán nước. Nhà anh Bảy, chị Hạ ở xóm Đình, thôn Phù Yên, có thâm niên bán nước đã 7-8 năm nay. Chị Hạ cho biết: "Trung bình mỗi ngày, tôi bán được 8 xe nước với giá từ 100 - 120.000 đồng/xe, tùy vị trí xa gần. Khi nào có người gọi thì mang nước tới". Nước mà gia đình chị Hạ bán được bơm lên từ giếng khơi, hút thẳng lên téc đặt trên chiếc xe ba bánh rồi chở đến từng hộ gia đình. Gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh cũng có nghề bán nước 5 năm nay. Gia đình ông đào giếng ở khu Lò Đá, thôn Phú Yên gặp mạch nên rất nhiều nước. Từ giếng nước này, mỗi ngày ông kiếm được 500.000 - 600.000 đồng.

Tuy bỏ ra số tiền lớn để mua nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày, nhưng người dân không yên tâm với chất lượng nước. "Nước để ăn hằng ngày, tôi phải mang can sang làng bên để xin nhà người quen" - ông Tứ kể. Bí thư Đảng ủy xã Trường Yên Trần Văn Hiển lo lắng: "Trung bình mỗi năm, xã Trường Yên có khoảng 10 ca chết do mắc các bệnh do ung thư, không biết có liên quan nguồn nước hay không?!", đây cũng là lo lắng chung của nhiều hộ dân ở xã Trường Yên.

Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt, xã Trường Yên đã nhận được chủ trương đầu tư xây dựng trạm cấp nước Trung Hòa - Trường Yên. Nếu hơn 60% hộ dân có nguyện vọng sử dụng nước sạch thì dự án sẽ được triển khai các bước tiếp theo để đầu tư. Hy vọng người dân Yên Trường sớm có nhà máy nước sạch để giảm nỗi khổ về nước, nhất là trong mùa khô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Trường ăn đong… từng "bữa nước"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.