Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý tưởng táo bạo của kỹ sư gốc Việt

Quang Huy| 06/03/2016 06:48

(HNM) - Với tham vọng tạo ra một bộ não nhân tạo có khả năng đưa ra quyết định như con người, dự án Google Brain của Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Google được kỳ vọng giúp thay đổi căn bản cuộc sống của hàng triệu người thông qua sự giao tiếp giữa con người với máy móc.

Kỹ sư Lê Việt Quốc.


Lê Việt Quốc sinh năm 1982 tại Thừa Thiên Huế. Ở tuổi 14, Quốc đã có ý tưởng táo bạo rằng con người sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất từ những cỗ máy thông minh, có khả năng sáng tạo, ý tưởng dường như chỉ có trong những bộ phim giả tưởng. Ý tưởng ấy đã dẫn Quốc đi trên con đường sáng tạo những đột phá trong lĩnh vực "Trí tuệ nhân tạo", giúp máy móc "hiểu" con người hơn, gần gũi với con người hơn. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Lê Việt Quốc nhận học bổng tại Đại học Quốc gia Australia rồi tiếp tục hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học danh tiếng Stanford (Mỹ) về trí tuệ nhân tạo. Trong quá trình học, Quốc thấy rằng, những phần mềm trí tuệ nhân tạo dù thông minh tới đâu vẫn cần tới sự giúp đỡ phần lớn của con người qua việc chú thích dữ liệu, hay những chi tiết lưu ý quan trọng trong dữ liệu. Chính vì thế, trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford anh đã tự mày mò nghiên cứu một phần mềm tự động học hỏi. Quốc đã sáng tạo ra một chiến thuật giúp tăng cường phần mềm tự học thông qua việc tinh chỉnh kỹ thuật "deep learning" (tạm dịch - học sâu), sử dụng một hệ thống mạng phức tạp có tác dụng tương tự như hệ thần kinh neurons của con người để phân tích và giải quyết các dữ liệu phức tạp. Theo nhiều nhà nghiên cứu, kỹ thuật "deep learning" có tiềm năng trong việc giải quyết nhiều vấn đề lớn về giáo dục hay biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên phương pháp này lúc đó vẫn tỏ ra khá chậm chạp trong việc tiếp nhận cũng như giải quyết thông tin. Chàng tiến sĩ gốc Việt đã nỗ lực tìm giải pháp tăng tốc hệ thống bằng cách xây dựng một mạng lưới thần kinh ảo có khả năng xử lý dữ liệu nhanh hơn hàng nghìn lần. Đây là phương pháp tiếp cận rất thực tiễn và thu hút sự chú ý của Tập đoàn công nghệ Google và anh đã được mời về để thử nghiệm dưới sự dẫn dắt của chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford là Andrew Ng.

Nghiên cứu của Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc và khi được đưa ra công chúng năm 2012, đã tạo ra một cuộc đua giữa hàng loạt công ty công nghệ nổi tiếng như Google, Facebook, Microsoft trong nghiên cứu "deep learning". Theo công ty theo dõi dữ liệu đầu tư CB Insights, các công ty khởi nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực "deep learning" và trí tuệ nhân tạo đã huy động được hơn 950 triệu USD vốn đầu tư trong vòng 5 năm qua. Mặc dù không có một chỉ dẫn nào từ con người, hệ thống của Lê Việt Quốc đã học cách nhận thức được con người, động vật và hơn 3.000 sự vật khác nhau bằng cách xem hàng triệu hình ảnh, thông tin trên mạng. Hệ thống này đã cho thấy máy móc có thể tự học mà không cần sự trợ giúp của con người với độ chính xác đáng kinh ngạc. Alphabet, công ty mẹ của Google, đã tích hợp công nghệ Google Brain vào một số dịch vụ của hãng. Các công nghệ nổi tiếng như công nghệ nhận dạng giọng nói trong hệ điều hành Android và khả năng tìm kiếm ảnh nâng cao đều có nguồn gốc từ Google Brain.

Dù rằng, cỗ máy siêu thông minh mà Lê Việt Quốc mơ ước còn ở rất xa, nhưng những ý tưởng của chàng kỹ sư tài năng này là rất đáng ghi nhận. Với những nghiên cứu của mình, từ năm 2014, Lê Việt Quốc đã nằm trong danh sách 35 nhà sáng chế dưới 35 tuổi năm 2014 của Học viện Công nghệ Massachuset Mỹ và được đánh giá là một trong những bộ óc thực sự thông minh xuất chúng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý tưởng táo bạo của kỹ sư gốc Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.