Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý tưởng táo bạo cho thành phố thân thiện hơn

Tuấn Lương| 13/10/2020 06:29

(HNM) - Từ những trải nghiệm trong quá trình sử dụng dịch vụ xe buýt, các nhóm sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã đem đến cuộc thi “Thiết kế nhà chờ xe buýt an toàn - thông minh - thân thiện” những ý tưởng rất táo bạo. Đây thực sự là những sáng tạo gợi mở cho cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông công cộng của Thủ đô. Thông qua cuộc thi, các sinh viên mong muốn góp phần tham gia xây dựng thành phố an toàn, thân thiện hơn.

Phối cảnh thiết kế nhà chờ mô phỏng hình chiếc lá giành giải Nhì cuộc thi “Thiết kế nhà chờ xe buýt an toàn - thông minh - thân thiện”của đội 19K6 HAU (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội). Ảnh: Tuấn Khải

Nhà chờ xe buýt an toàn, thân thiện

Cuộc thi “Thiết kế nhà chờ xe buýt an toàn - thông minh - thân thiện” do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Giao thông - Vận tải tổ chức, thu hút 17 đội đến từ nhiều trường đại học tham gia. Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức tìm kiếm các giải pháp, ý tưởng thiết kế, xây dựng nhà chờ xe buýt hướng đến mục tiêu an toàn, thông minh và thân thiện với hành khách, từ đó góp phần xây dựng thành phố an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Ngoài trải nghiệm thực tế, các nhóm sinh viên cũng đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát kỹ lưỡng hiện trạng hệ thống xe buýt của Thủ đô. Như đội Kiến - Xây (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đã khảo sát tại 247 nhà chờ, điểm dừng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và 50 người trực tiếp sử dụng xe buýt. Kết quả, có tới 95% người được hỏi cảm thấy các nhà chờ, điểm dừng chưa thân thiện. Nhiều nhà chờ, điểm dừng xuống cấp do bị lấn chiếm, thậm chí trở thành nơi tập kết rác thải, dán tờ rơi quảng cáo, rao vặt… Không gian không thực sự an toàn cũng là nguyên nhân khiến cho không ít người đi xe buýt hạn chế giao tiếp. “Từ thực trạng này, chúng tôi đề xuất ý tưởng nhà chờ, điểm dừng phải là không gian tiện ích giúp gia tăng kết nối cộng đồng; có thể tích hợp thêm các chức năng giải trí, đọc sách… để trở nên thân thiện hơn, an toàn hơn”, sinh viên Mai Ngọc Ánh, Đội trưởng đội Kiến - Xây chia sẻ.

Cũng từ thực trạng nhiều nhà chờ, điểm dừng bị che khuất tầm nhìn, bị lấn chiếm, mất vệ sinh và thiếu tiện ích…, đội 20 Plus UTC (Trường Đại học Giao thông - Vận tải) đưa ra ý tưởng thiết kế đơn giản, dễ tháo lắp, gần gũi, thân thuộc với mọi đối tượng hành khách. Theo đó, nhà chờ mẫu được thiết kế với chiều cao khoảng 3m, bảo đảm mức độ thông thoáng và khả năng quan sát của hành khách. Toàn bộ các tấm chắn được thiết kế bằng vật liệu trong suốt. Nhà chờ sử dụng năng lượng mặt trời; các bảng điện tử hiển thị thời gian, khoảng cách các xe sắp đến; hỗ trợ hành khách tìm kiếm thông tin và lộ trình các tuyến buýt. Ngoài ra, tại các nhà chờ còn bố trí ổ sạc pin điện thoại... 

Lấy cảm hứng từ các chất liệu thiên nhiên, đội 19K6 HAU (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đưa ra ý tưởng cấu kiện mái nhà chờ mô phỏng chiếc lá. Mỗi nhà chờ nhỏ là một lá và có thể ghép nhiều lá lại thành một nhà chờ diện tích lớn. Phần mái lắp đặt pin năng lượng mặt trời, cung cấp điện năng cho tiện ích thông minh. Phần phía dưới bố trí quầy bán hàng tự động… Các cột trụ được ốp bằng các mảnh gốm sứ, là loại vật liệu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam…

Sớm hoàn thiện để ứng dụng vào đời sống 

Để lựa chọn người chiến thắng, Ban Giám khảo gồm các chuyên gia giao thông, đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã phải rất “vất vả” bởi ý tưởng dự thi nào cũng rất sáng tạo và thể hiện sự táo bạo, hướng đến một thành phố thân thiện hơn. Từ 17 đội ở vòng thi sơ khảo, 7 đội xuất sắc được lựa chọn vào vòng chung khảo. Ở vòng chung khảo, mỗi đội thi có 10 phút trình bày về mô hình thiết kế và trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo. Kết quả, giải nhất thuộc về đội 20 Plus UTC (Trường Đại học Giao thông - Vận tải); giải Nhì thuộc về đội 19K6 HAU (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội).

Bà Phan Thu Hiền, ở Tổ chức Plan International Việt Nam, nhận xét: "Cuộc thi đã cho thấy giới trẻ ngày càng quan tâm đến các vấn đề xã hội. Sự đồng hành của các cơ quan nhà nước cũng thể hiện sự quan tâm, tiếp thu để hướng tới xây dựng thành phố an toàn, thân thiện. Tôi mong cuộc thi này sẽ không chỉ dừng lại ở phần ý tưởng mà sớm trở thành hiện thực".

Là thành viên Ban Giám khảo cuộc thi, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải rất tâm đắc với các tác phẩm dự thi. Ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá, qua sự trình bày của các sinh viên, có thể thấy các ý tưởng là tổng hợp những kiến thức về kiến trúc, xây dựng, công nghệ thông tin, văn hóa, xã hội...; thực sự là những gợi mở hữu ích cho cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông công cộng của Thủ đô.

“Hiện Hà Nội đã có quy hoạch vị trí lắp đặt. Một số tác phẩm có thể nghiên cứu hoàn thiện thêm để ứng dụng ngay, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý tưởng táo bạo cho thành phố thân thiện hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.