(HNM) - Đi trên các tuyến phố của Hà Nội, dễ nhận thấy hàng loạt khách sạn, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, chung cư gắn biểu hiệu bằng tiếng Anh như: The Garden, The Manor... Giải pháp nào giảm thiểu tình trạng này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Văn Khang,
- Hiện nay, tình trạng lạm dụng tiếng Anh trong quảng cáo đang diễn ra tràn lan. Từ góc nhìn của một nhà ngôn ngữ học, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Tôi còn nhớ năm 1996, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã ký pháp lệnh về quảng cáo, trong đó quy định rất rõ: Ở tất cả biển quảng cáo, cũng như các biển hiệu, tiếng Việt phải đứng trước, tiếng nước ngoài đứng sau và cỡ chữ nhỏ hơn. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy chẳng những quy định không có hiệu lực mà việc sử dụng tiếng nước ngoài còn bị lạm dụng một cách thái quá và ngày càng tràn lan. Từ nước ngoài, cụ thể là từ tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc đang lấn át tiếng Việt trên các biển hiệu nhà hàng, các biển quảng cáo, logo… Và đây là điều rất đáng buồn!
Tình trạng lạm dụng quảng cáo bằng tiếng Anh nhằm tạo ra sự mới lạ, thu hút sự chú ý ngày càng gia tăng.Ảnh: Như Ý |
- Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?
- Một trong những lý do lớn nhất là người ta đặt lợi nhuận cao hơn ý thức về vai trò, vị trí của ngôn ngữ dân tộc. Nhiều người cho rằng biển quảng cáo bằng tiếng Anh sẽ tạo ra sự mới lạ, thu hút sự chú ý, mặt khác người nước ngoài có thể nhận biết nhanh hơn. Tôi được biết ở nước ngoài, ví dụ như các nước có khối chữ vuông là Hàn Quốc, Trung Quốc thì không có hiện tượng này, tất cả biển quảng cáo đều được dịch ra bản ngữ. Cá nhân tôi cho rằng nếu chúng ta thực hiện tốt Luật Quảng cáo thì tình trạng trên sẽ không tái diễn.
- Theo Nghị định 88/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, phòng chống một số tệ nạn xã hội - PV), mức phạt cho sai phạm này quá thấp, chỉ từ 150.000 đến 500.000 đồng. Phải chăng chính mức phạt thấp cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này tiếp diễn?
- Tôi cho rằng chế tài xử phạt chỉ là một phần, ý thức mới là điều quan trọng. Nếu tăng mức phạt lên mấy chục triệu đồng thì cũng không khả thi vì họ sẽ vì lợi nhuận mà luôn tìm cách lách. Giải pháp tốt nhất là xây dựng ý thức. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm theo hình thức, chỉ "ra quân" thì sẽ rất khó thành công. Việc này phải được làm kiên trì, bền bỉ, thường xuyên. Khi ý thức tự tôn quốc gia, dân tộc - mà tiếng Việt là một trong những yếu tố cấu thành được nâng lên thì mọi thứ sẽ khác.
- Đứng về mặt văn hóa và ngôn ngữ, việc lạm dụng tiếng nước ngoài gây ra hậu quả gì?
- Hiến pháp sửa đổi năm 2013, tại điều 5, Khoản 3 đã ghi rất rõ "Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia". Đây là lần đầu tiên Hiến pháp của Việt Nam khẳng định vị thế quốc gia của tiếng Việt. Cùng với quốc kỳ, tiếng Việt là biểu trưng của một đất nước, vì vậy không có lý do gì người Việt lại coi trọng ngôn ngữ nước ngoài hơn. Về mặt ngôn ngữ, việc sử dụng tiếng Anh sẽ tạo ra sự pha trộn về ngôn ngữ và rõ ràng ý thức về ngôn ngữ quốc gia sẽ kém đi. Người nước ngoài nhìn vào, ở góc độ tiện lợi thì dễ chịu, nhưng những người có ý thức sẽ thấy rằng nó phản cảm.
- Ở các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan... có hiện tượng này không, thưa ông?
- Theo tôi được biết, các quốc gia này từng đẩy vai trò tiếng Anh lên quá cao. Nhưng ba năm trở lại đây, họ đã thay đổi chính sách, quay về với ngôn ngữ dân tộc mình. Thực tế hiện nay cho thấy ở quốc gia nào cũng vậy, dù tiếng Anh có phát triển đến đâu chăng nữa, nó chỉ là ngôn ngữ giao tiếp còn ngôn ngữ quốc gia vẫn được đánh giá cao vì đó là biểu trưng của một quốc gia.
- Theo ông, làm thế nào để giảm thiểu việc lạm dụng tiếng Anh quá đà như hiện nay?
- Hiện nay, chúng ta đang có tình trạng sử dụng thái quá tiếng Anh, không chỉ ở trong quảng cáo mà ở khắp mọi nơi và cả trong giới truyền thông. Theo tôi, trong vấn đề chuẩn hóa ngôn ngữ thì cả xã hội phải làm, Nhà nước đóng vai trò quyết định. Việt Nam đang tiến tới xây dựng Luật Ngôn ngữ, tôi hy vọng, khi luật này ra đời, chúng ta sẽ có những quy định rõ ràng về việc sử dụng các từ nước ngoài trong tiếng Việt. Trong khi chờ đợi, chúng ta cần chú ý đến việc xây dựng ý thức của con người trong việc sử dụng ngôn ngữ, trong đó vai trò của truyền thông là quan trọng nhất. Điều đáng tiếc là truyền thông hiện nay rất lười dịch và sử dụng nhiều tiếng bồi, ví dụ như "pro", "hot", "MC"... Tôi tin rằng, nếu giới truyền thông có ý thức trong việc sử dụng tiếng Việt thì chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến người dân. Mặt khác, như người ta nói, đến nay, thế giới đã có hai cơn đại hồng thủy về ngôn ngữ. Cơn đại hồng thủy thứ nhất là tiếng Pháp tràn khắp Châu Âu vào thế kỷ XVI và cơn đại hồng thủy thứ hai là tiếng Anh ở thế kỷ XXI. Vậy nên ngăn cấm cũng không dễ, việc "be bờ, đắp đập" cũng không đơn giản, vấn đề là chúng ta có ý thức sử dụng như thế nào mà thôi.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.