Tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép đã tồn tại từ nhiều năm qua khiến diện mạo đô thị không bảo đảm mỹ quan. Giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này cần có ở cả phía chính quyền và người dân.
Anh Nguyễn Minh Cương (huyện Thanh Trì) cho biết, hiện nay các bảng rao vặt tập trung đã được dán kín; một số trụ điện, bức tường... tái xuất hiện quảng cáo, rao vặt trái phép, gây mất mỹ quan đô thị. Anh Cương kể, hôm trước các đoàn viên, thanh niên vừa gỡ bỏ những tờ giấy quảng cáo, rao vặt trái phép thì hôm sau đã có người dán lại. Có gia đình vừa sơn bức tường thì đã bị ai đó phun sơn quảng cáo dịch vụ thông cống, khoan cắt bê tông… rất phản cảm. “Nhiều bức tường, cột điện bị dán chằng chịt tờ rơi quảng cáo, tờ mới dán đè lên tờ cũ nham nhở, nhếch nhác”, anh Cương nói.
Còn chị Nguyễn Minh Thúy (quận Cầu Giấy) cho rằng, mặc dù lực lượng chức năng nhiều lần ra quân gỡ bỏ biển hiệu quảng cáo trái phép, bóc xóa tờ rơi nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép lại như cũ. Theo chị Thúy, việc quảng cáo rao vặt trái phép không những gây mất mỹ quan đô thị, sâu xa hơn sẽ là nguồn cơn của những tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, vay lãi, lừa đảo... “Nếu không có biện pháp quyết liệt thì rất khó để xóa bỏ tình trạng này”, chị Thúy nói.
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp để hạn chế và xử lý hiện tượng quảng cáo, rao vặt trái phép. Mặc dù trách nhiệm chính trong việc phát hiện, kiểm tra, xử phạt quảng cáo, rao vặt trái phép trước hết thuộc về cơ quan văn hóa, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường và lực lượng công an. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có cơ quan, lực lượng nào được giao nhiệm vụ một cách cụ thể và cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các lực lượng chức năng trong xử lý vấn nạn này.
Theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh lực văn hóa và quảng cáo, mức xử phạt đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng là 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe.
Trước tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép xuất hiện trở lại, giải pháp trước hết là các cơ quan chức năng cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính theo các mức độ vi phạm; bổ sung xử phạt hành vi phá hoại của công hoặc tài sản cá nhân, phải khắc phục hậu quả, khôi phục lại nguyên trạng mỹ quan của hiện trường đã bị bôi bẩn bởi quảng cáo, rao vặt. Sau đó, các cơ quan chức năng kết hợp với ngành Thông tin và Truyền thông xử lý các số điện thoại được dán tràn lan làm mất mỹ quan đô thị.
Để giải quyết căn cơ, chính quyền các địa phương cần quan tâm tới việc lắp đặt, bố trí thêm bảng thông tin quảng cáo, rao vặt phục vụ miễn phí người dân tại các địa điểm công cộng; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo mỗi người dân không nên sử dụng các dịch vụ được quảng cáo, rao vặt trái phép. Cộng đồng dân cư cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn đường phố, không gian công cộng nơi mình sinh sống luôn xanh, sạch, đẹp, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.