Góc nhìn

Quản chặt quảng cáo trực tuyến

Đình Hiệp 12/11/2024 - 07:25

Việc các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688... kinh doanh trực tuyến với nhiều quảng cáo trên mạng xã hội khi chưa đăng ký cấp phép hoạt động tại Việt Nam đã làm nóng nghị trường kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV cũng như dư luận xã hội thời gian qua.

Tại Việt Nam, Luật Quảng cáo năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động quảng cáo. Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, các quy định của pháp luật về quảng cáo tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch. Trong đó, quảng cáo trên các nền tảng số (còn gọi là quảng cáo trực tuyến) dần trở thành một phần không thể thiếu, nhất là với người tiêu dùng trẻ hiện nay.

Thế nhưng, điều khiến dư luận quan ngại là nhiều doanh nghiệp chỉ hướng đến hiệu quả quảng cáo trực tuyến, mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm nên người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả. Đáng chú ý, ngày càng xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng, người có ảnh hưởng đối với xã hội (còn gọi là KOL) quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho người tiêu dùng, tác động tiêu cực cho xã hội.

Trước yêu cầu cấp thiết trên, tại kỳ họp thứ tám, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận cũng như chất vấn trực tiếp người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, có 2 nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quảng cáo trên không gian mạng; quyền cũng như nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý. Vì vậy, đa số đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng.

Trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là trách nhiệm, nghĩa vụ của người có ảnh hưởng trên mạng, các KOL. Đặc biệt, cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 nhằm tránh hệ lụy cho xã hội khi mua phải hàng kém chất lượng do quảng cáo trực tuyến không đúng sự thật.

Một vấn đề bức thiết khác cũng đặt ra trong câu chuyện quảng cáo trực tuyến hiện nay, đó là khối lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ, quảng cáo trực tuyến là một thị trường tiềm năng đem lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế doanh thu quảng cáo đang “chảy” về phía các nền tảng xuyên biên giới, làm thất thu thuế quảng cáo. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, quảng cáo trực tuyến trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Khác với quảng cáo trên báo chí được kiểm soát chặt chẽ, trên môi trường mạng xã hội, các quảng cáo sai sự thật, quảng cáo cho hàng giả, quảng cáo mang tính lừa đảo tràn lan, đan xen với quảng cáo bình thường. Vì thế, việc Quốc hội sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là hết sức cấp thiết.

Theo đó, không chỉ siết chặt các quy định liên quan đến quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới, mà cần xử phạt nặng các mạng xã hội dung túng cho những quảng cáo mang tính lừa đảo để buộc các mạng xã hội phải trực tiếp chịu trách nhiệm cho nội dung quảng cáo họ đăng tải, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản chặt quảng cáo trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.