Đề nghị loại bỏ các quy định giới hạn về diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích theo yêu cầu của bạn đọc.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, chiều 25-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) quan tâm đến vấn đề quảng cáo trên báo in (khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21). Theo đại biểu, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có 3 nhóm ý kiến.
Luồng ý kiến thứ nhất tán thành với Ban soạn thảo điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí. Luồng ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành vì việc tăng diện tích lên tới gần ½ tổng diện tích là quá lớn đối với một ấn phẩm báo chí, chưa phù hợp với chức năng của báo chí cũng như bảo đảm quyền lợi của độc giả.
Luồng ý kiến thứ ba đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống và để cho cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và sự điều tiết của thị trường.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, các nhóm ý kiến này chưa tương xứng bởi thị phần quảng cáo trên báo in đang giảm mạnh do tác động của mạng xã hội cũng như các quảng cáo trực tuyến khác. Vì thế, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo cho báo in không phải là giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn của các cơ quan báo chí trong việc tự chủ tài chính.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ các quy định giới hạn về diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo yêu cầu của bạn đọc và thị trường”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc các cơ quan báo in bị sụt giảm doanh thu quảng cáo nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) cho rằng, quảng cáo phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Vì thế, các cơ quan quản lý cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực để các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
“Khi nội dung hay thì các doanh nghiệp sẽ tự tìm đến cơ quan báo chí để đăng quảng cáo, bởi hiện nay các cơ quan báo chí chưa khai thác hết tiềm năng quảng cáo của các doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Tranh luận về vấn đề tự quyết định diện tích trên báo in và tạp chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, các cơ quan báo chí khó khăn không phải thiếu diện tích đăng quảng cáo mà thiếu quảng cáo khi các doanh nghiệp lựa chọn các loại hình báo chí khác hiệu quả hơn.
Đồng tình với quan điểm giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo trên báo in, tạp chí nhưng đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, dự thảo Luật cần giao Chính phủ quy định các nội dung cụ thể về diện tích quảng cáo đối với các cơ quan báo chí được đặt hàng, hưởng ngân sách nhà nước hoặc có cơ chế hỗ trợ phát hành.
Thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo
Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là yếu tố quan trọng, góp phần giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính.
Tuy nhiên, theo đại biểu, điều quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.
Đối với việc quảng cáo trên mạng (khoản 11 Điều 1), đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi Điều 23 theo hướng bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn các hoạt động quảng cáo trên mạng; việc tuân thủ các quy định khi quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo...
Tuy nhiên, đối với vấn đề quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm, thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.
Tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Đại biểu cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu dự thảo Luật quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Liên quan đến việc diện tích trên báo in và tạp chí, Bộ trưởng cho rằng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí chủ lực để vừa hỗ trợ các cơ quan báo chí vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi của độc giả.
“Việc để các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo cũng là nội dung được Bộ xem xét, đặc biệt là sắp tới sẽ quy hoạch lại cơ quan báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.