Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các bộ, ngành, đoàn thể, các chuyên gia, người quản lý, người lao động đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, tập trung ở 2 luồng ý kiến.
Ý kiến của các đại biểu đều thống nhất rằng, so với các nước trên thế giới, hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới ở Việt Nam được đánh giá là tương đối đầy đủ, tiến bộ. Từ Hiến pháp tới các bộ luật đều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề bình đẳng giới, tạo điều kiện cho cả phụ nữ và nam giới cùng phát triển tiến bộ và bình đẳng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ vẫn là vấn đề đặt ra.
Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các bộ, ngành, đoàn thể, các chuyên gia, người quản lý, người lao động đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, tập trung ở 2 luồng ý kiến.
Ý kiến của TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Phó Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Hùng Cường và nhiều chuyên gia hoạch định chính sách, quản lý, đoàn thể cho rằng, cần nâng tuổi nghỉ hưu lên 60.
Ý kiến này được đưa ra dựa trên các kết quả nghiên cứu về sức khỏe nam và nữ trong độ tuổi 55-60, cơ sở luật pháp về quyền lao động, cơ sở tài chính của bảo hiểm xã hội, sức ép của tình trạng già hóa dân số…
Đại diện của Hiệp hội Dệt May Việt Nam và một số nhà quản lý thì lại cho rằng, tuổi nghỉ hưu với lao động nữ hiện nay là quá cao với những người lao động trực tiếp, nhất là những lao động làm việc trong lĩnh vực độc hại như: công nhân dệt, may, thợ mỏ, một số nghề đặc thù… nên kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ.
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (bao gồm vấn đề tuổi nghỉ hưu nữ) sẽ được lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII vào tháng 5 tới./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.