Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xung kích xây dựng nông thôn mới

Tuấn Việt| 28/03/2010 07:13

(HNM) - Vị trí, vai trò và trách nhiệm của thanh niên, của tổ chức đoàn ra sao trong việc xây dựng nông thôn mới? Nhận thức của thanh niên về xây dựng nông thôn mới như thế nào? Đó là những nội dung chính trong buổi tọa đàm

Mô hình sản xuất đồ mộc của thanh niên huyện Mê Linh. Ảnh: Vũ Thủy


Nông thôn mới tạo cơ hội cho thanh niên xóa nghèo
Nông nghiệp và nông thôn có vai trò to lớn trong việc ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đứng trong tốp đầu thế giới như lúa, cá, tôm, cao su, điều, cà phê... Mặc dù vậy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Dẫn chứng cho vấn đề trên, ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Điển hình như việc thu, mua lúa gạo cho bà con nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua. Giá lúc lên, lúc xuống làm cho bà con không yên tâm sản xuất".

Hiện nay, cơ sở hạ tầng nông thôn vùng sâu, vùng xa vẫn còn yếu, thiếu, đời sống vật chất, tinh thần còn nghèo nàn… Việc thu hồi, đền bù đất nông nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết tạo điều kiện để xây dựng mô hình nông thôn mới. "Đã đến lúc đô thị phải "trả nợ" nông thôn. Phương châm xây dựng nông thôn mới hiện nay là làm sao để đô thị tác động vào nông thôn, dùng công nghiệp tác động vào nông nghiệp, dùng công nhân, trí thức, thương nhân tác động vào nông dân trên các yếu tố đầu tư, kỷ luật lao động và tư liệu sản xuất. Đặc biệt, chú ý vai trò cầu nối của doanh nghiệp trong gắn kết nông thôn và thành thị" - ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi thanh niên làm gì để xây dựng nông thôn mới? Ông Hùng khuyên: Thanh niên đô thị phải gắn kết với thanh niên nông thôn để giúp họ thay đổi tư duy. Hơn ai hết, thanh niên khu vực nông thôn cần tự học hỏi những mô hình lập thân, lập nghiệp tiêu biểu để làm đẹp, làm giàu cho chính mình và quê hương. Ngoài ra, thanh niên phải xung kích đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào nông thôn. Trong nông thôn mới tạo cơ hội cho thanh niên xóa đói nghèo, vì vậy đoàn, hội cần nhân rộng những mô hình sản xuất, kinh doanh điểm, giúp các bạn trẻ tiếp cận với các nguồn vốn và công nghệ mới. Đặc biệt, các bạn phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nông thôn.

Cũng theo ông Hồ Xuân Hùng: "Hiện nay, quy hoạch nông thôn đang bị chắp vá quá nhiều, các bạn trẻ cần phải kiên trì trong việc này. Nếu đời chúng ta không làm được, thì đời con, đời cháu sẽ phải tiếp tục làm".

Và trách nhiệm của tổ chức đoàn
Hà Nội có diện tích 3.344,7km2 với dân số gần 6,4 triệu người, khu vực nông thôn chiếm tới trên 88% diện tích và gần 64% dân số, trong đó lao động nông thôn là thanh niên chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế trong nông thôn chuyển dịch chậm, chưa đồng đều, thiếu vững chắc, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, làng nghề còn thấp, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của trung ương, TP Hà Nội đã chọn xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) làm mô hình điểm đầu tiên về xây dựng nông thôn mới. Từ kết quả ban đầu tại xã Thụy Hương, ngày 13-1-2010, thành phố chỉ đạo tiếp tục xây dựng mô hình nông thôn mới ở 3 xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn), Đại Áng (huyện Thanh Trì) và Song Phượng (huyện Đan Phượng) để nhân rộng ra các địa phương khác, tổ chức đoàn các cấp phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng.

Tại buổi tọa đàm, vấn đề được các bạn trẻ Thủ đô quan tâm là mặt bằng sản xuất, vốn và việc làm. Để thanh niên nông thôn xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, các cấp, các ngành phải tạo điều kiện giúp đỡ họ những vấn đề trên. Theo anh Tô Văn Sáng, Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ, việc thuê đất để sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương chỉ có quy hoạch cho các doanh nghiệp thuê. Nếu là đất canh tác thì phải thực hiện "dồn điền đổi thửa" sau đó làm đề án, dự án lên xã, lên huyện thì mới được. "Năm 2007, Huyện đoàn Phúc Thọ giúp một thanh niên khuyết tật ở xã Phúc Hòa mượn đất mở xưởng sản xuất. Đến nay, anh thanh niên này chưa phải trả tiền thuê. Như vậy, đoàn cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa để tạo cơ hội cho các bạn trẻ và để khẳng định vị trí của tổ chức đoàn ở địa phương. Mô hình nông thôn mới cần có hình thức thu hút, tập hợp và sinh hoạt đoàn mới" - Anh Sáng nhấn mạnh.

Anh Lê Quang Hưng (huyện Mỹ Đức), chủ một mô hình kinh doanh tổng hợp nêu ý kiến: Anh em cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoặc các ngành nghề có liên quan phải tăng cường hợp tác để giúp đỡ nhau. Hiện nay, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Hơn ai hết, tổ chức đoàn phải là cầu nối giữa các bạn nông thôn với nông thôn và nông thôn với thành thị.

Để kết nối giữa nông thôn và thành thị, trước hết tổ chức đoàn ở các quận cần phải liên hệ chặt chẽ với các tổ chức đoàn ở các huyện, thị xã. Năm 2009, Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo mô hình kết nghĩa giữa Quận đoàn Cầu Giấy và Huyện đoàn Phúc Thọ. Kết quả đạt được rất tích cực, là tiền đề để xây dựng thêm các hình thức kết nối khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung kích xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.