Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xung kích trên mặt trận không tiếng súng

Lê Đức Hải| 22/06/2015 05:57

1.Có lẽ hiếm có quốc gia nào, dân tộc nào trên thế giới có số lượng nhà báo - liệt sĩ lớn như đất nước Việt Nam. Thống kê trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cả nước có hơn 400 nhà báo hy sinh tại chiến trường. Chỉ một con số này thôi cũng đủ nói lên những cống hiến to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Nhìn lại chặng đường 90 năm qua, chúng ta càng tự hào khi chứng kiến đội ngũ những người làm báo hiện nay đã không ngừng lớn mạnh với khoảng 22.000 nhà báo, trong đó 18.000 người được cấp thẻ. Cả nước hiện có 845 cơ quan báo in với 1.118 ấn phẩm; một hãng thông tấn quốc gia; 67 đài với 179 kênh phát thanh - truyền trình; 98 báo điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp, 420 mạng xã hội được phép hoạt động... Báo chí Cách mạng không chỉ là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp... mà còn là diễn đàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; không chỉ tuyên truyền, phổ biến mà còn là kênh giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến để chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Không thể phủ nhận nỗ lực của các cơ quan báo chí nói chung trong thời gian qua.

Báo chí truyền thông đã kịp thời phản ánh, biểu dương những nhân tố tích cực; phê phán, góp phần loại trừ những yếu tố tiêu cực, những cái xấu, chưa đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Báo chí đã tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng; cổ vũ động viên, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.... Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là vài năm gần đây đã xuất hiện tình trạng không ít cơ quan truyền thông đã làm báo kiểu "lá cải", đưa thông tin giật gân nhằm "câu view", chạy theo thị hiếu giải trí tầm thường của độc giả... Một bộ phận không nhỏ người làm báo có biểu hiện coi thường đạo đức nghề nghiệp, có tư duy làm báo chụp giật, dễ dãi, câu kết nhau thao túng thông tin, đưa thông tin một chiều, phiến diện; tung tin thất thiệt, bịa đặt phục vụ cho cá nhân hay một nhóm lợi ích… ; thậm chí có cả những hành vi đe dọa, tống tiền, vi phạm pháp luật. Một số người làm báo đã lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để tiếp tay cho các thế lực phản động, thù địch. Đáng nói là những biểu hiện của tư duy lệch chuẩn không chỉ làm mất niềm tin của độc giả mà còn khiến dư luận "lạc lối", hoang mang... Nguy hiểm hơn, những thông tin sai lệch này đã bị đối tượng xấu lợi dụng, bóp méo rồi phát tán trên mạng xã hội nhằm reo rắc tâm lý chán chường, bi quan, đặc biệt là trong giới trẻ, kích động chống phá Đảng và Nhà nước, âm mưu bạo loạn, lật đổ...

2. "Diễn biến hòa bình" - còn gọi là "cuộc chiến không tiếng súng" - là chiến lược chống phá của các thế lực thù địch nhằm vào, trước hết là hệ thống các nước XHCN trên thế giới. Con đường chủ yếu của chúng là phá hoại từ bên trong bằng cách gây chia rẽ, tạo mâu thuẫn nội bộ, thúc đẩy "tự diễn biến", từ đó tạo ra các lực lượng chính trị núp bóng "tự do, dân chủ" rồi tiến tới lật đổ chế độ mà không cần sử dụng vũ lực, không cần chiến tranh. Chiến lược "diễn biến hòa bình" là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô.

Các thế lực thù địch không từ âm mưu, thủ đoạn nào để thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ra sức tuyên truyền, lôi kéo, kích động nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước... Đặc biệt, chúng tăng cường đầu tư vào báo chí, truyền thông để chống phá nhà nước Việt Nam. Nếu như năm 1975, phương Tây và các thế lực phản động ở hải ngoại chỉ có 2 tờ báo và 2 đài phát thanh (VOA và BBC) có chương trình tiếng Việt chống Việt Nam thì 10 năm sau (1985), có tới 200 tờ báo, tạp chí và 18 đài, chương trình phát thanh tiếng Việt. Năm 1990, có 560 báo, tạp chí và 28 đài, chương trình phát thanh tiếng Việt. Năm 1994 có 620 báo, tạp chí, 38 đài và chương trình phát thanh tiếng Việt chống Việt Nam... Đáng lưu ý là những năm gần đây, chiến lược "diễn biến hòa bình" trên "mặt trận" báo chí - truyền thông đã có sự tiếp tay tích cực của rất nhiều trang mạng xã hội phản động ở trong và ngoài nước. Những hoạt động phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch bên ngoài đã tác động không nhỏ, tạo nên hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở trong nước. Một thống kê của Công an TP Hà Nội cho biết, có tới hơn 70% hoạt động thúc đẩy "tự diễn biến, tự chuyển hóa" được tiến hành bằng phương thức tác động tư tưởng thông qua internet, mà nhiều nhất là qua facebook và blog.

Mặc dù chỉ xuất hiện chưa đầy một thập kỷ, song mạng xã hội đã gần như phủ sóng toàn cầu, với hàng tỷ người trên thế giới sử dụng Yahoo Chat, Facebook, Twitter... bởi những tiện ích mà nó mang lại trong đời sống hiện đại. Với tính năng mở, mạng xã hội giúp con người trên phạm vi toàn cầu có thể kết bạn, chia sẻ thông tin, thúc đẩy thương mại điện tử... Đáng nói là do mang tính cá nhân, là không gian ảo, phạm vi "không biên giới" nên rất khó kiểm soát, kiểm chứng, thông tin độc hại lan truyền, xâm nhập rất nhanh. Vì vậy, bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận thì mạng xã hội cũng mang đến những hệ lụy không thể lường hết.

Ngọn lửa tự thiêu của chàng thanh niên 26 tuổi người Tuynidi Mohamed Bouazini vào một ngày cuối năm 2010 đã lan truyền trên các trang mạng xã hội, làm bùng lên "cuộc cách mạng hoa nhài" ở Bắc Phi và Trung Đông, mà hậu quả là Tổng thống Tuynidi và Ai Cập bị lật đổ, nhà lãnh đạo Gaddafi của Lybia bị phế truất, bị giết một cách thảm khốc. Tương tự, tình hình nội chiến, bất ổn kéo dài ở Syria và Yemen, hay cuộc bạo động đường phố ở Anh (tháng 8-2011); "phong trào chiếm phố Wall" ở Mỹ (tháng 9-2011); mới đây là biểu tình lan rộng ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) kéo dài hơn hai tháng cuối năm 2014 vừa qua, lúc cao điểm thu hút hơn 100.000 người tham gia... cũng cho thấy mức độ ghê gớm của mạng xã hội khi được sử dụng để lôi kéo, kích động đám đông... Chứng kiến sức mạnh của mạng xã hội, các nhà phân tích cho rằng đây chính là quyền lực thứ năm, còn giới lãnh đạo nhiều nước phương Tây gọi Facebook, Twitter... là "công cụ của bạo loạn".

Sự xuất hiện ngày càng nhiều thông tin độc hại, luận điệu sai trái trên báo điện tử ở hải ngoại và mạng xã hội trong và ngoài nước nhằm bôi nhọ, nói xấu chế độ, gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân Việt Nam, đã cho thấy biểu hiện gia tăng của cuộc chiến thông tin - truyền thông mà các thế lực thù địch nhằm vào nước ta. Cuộc chiến trên mặt trận văn hóa - tư tưởng - cuộc chiến không tiếng súng, đang ngày càng trở nên cam go và quyết liệt.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là thứ vũ khí sắc bén của họ". Nhìn lại chặng đường 90 năm đã qua, chúng ta có quyền tự hào rằng báo chí cách mạng Việt Nam đã xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò "chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng".

Để đối phó với các luận điệu sai trái, phản động trên các trang mạng xã hội, qua đó giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì không thể chỉ dựa vào hệ thống rào cản kỹ thuật cũng như pháp lý, mà vai trò tiên phong hàng đầu phải là báo chí, truyền thông. Để giành thắng lợi trên mặt trận này, các cơ quan báo chí truyền thông phải làm chủ trận địa, kịp thời, chủ động thông tin để định hướng dư luận và phải là vũ khí sắc bén trên tuyến đầu chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình". Đối với những người làm báo, ngoài trách nhiệm thông tin đúng sự thật thì trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân phải được đặt lên hàng đầu; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; lấy đạo đức nghề nghiệp làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Có như vậy mới thực sự làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận truyền thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xung kích trên mặt trận không tiếng súng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.