(HNM) - Trong cái nắng oi bức đầu hè, chúng tôi về xã Tứ Hiệp, Thanh Trì - nơi nổi tiếng là vùng đất anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và có truyền thống làm kinh tế giỏi.
Người dân xã Tứ Hiệp rất đỗi tự hào bởi trên mảnh đất quê hương mình có nhiều di tích lịch sử như đình Ba Dân, đình Trung, đình Văn Điển, đình Đồng Trì... đã được xếp hạng, là minh chứng sinh động cho bề dày truyền thống về lịch sử - văn hóa của một vùng quê. Là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân Tứ Hiệp kiên cường đã đóng góp nhiều công, của cho cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân và cán bộ xã Tứ Hiệp đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 6 Huân chương Kháng chiến hạng Hai; 42 Huân chương Kháng chiến hạng Ba… Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Tứ Hiệp đã huy động hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cùng nhiều hoạt động phục vụ chiến đấu tại chỗ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Năm 2010, xã đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ.
Xã Tứ Hiệp có 3 trường thuộc 3 cấp học được công nhận là trường chuẩn quốc gia. |
Bí thư Đảng ủy xã Trương Đức Long cho biết, người dân Tứ Hiệp không những tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông mà còn tự hào về truyền thống phát triển kinh tế mà ông cha để lại. Các cụ cao niên trong làng kể, xã Tứ Hiệp có lợi thế nằm sát Kinh đô Thăng Long, bên các tuyến giao thông thủy bộ quan trọng, vì vậy các thôn làng của Tứ Hiệp có nhiều thuận lợi để buôn bán kinh doanh và làm nghề thủ công. Vì thế mà từ trước Cách mạng Tháng Tám, xã đã có hai chợ: chợ Cổ Điển và chợ Văn Điển (chợ Ráy). Chính hệ thống chợ vùng này là cơ sở để hình thành nghề chạy chợ ở làng. Ca dao cũ nói về sự sầm uất của chợ Ráy và sự đảm đang, tháo vát trong buôn bán của con gái làng Văn Điển: Chợ Ráy tháng mười hai phiên - Gặp cô hàng xén, kết duyên Châu - Trần… Vì thế trong thời kỳ cả nước còn khó khăn, ở Tứ Hiệp đã có hàng trăm người đi buôn bán, kinh doanh ở các tỉnh và Hà Nội, rất nhiều người đã trở thành thương gia giàu có.
Nói về truyền thống cách mạng và phát triển kinh tế của địa phương, Bí thư Chi bộ thôn Cổ Điển A Nguyễn Đức Oai cho biết: Ngay từ khi đất nước còn nhiều khó khăn, thôn Cổ Điển đã có 2/3 dân số đi buôn bán, kinh doanh ở Hàng Ngang, Hàng Đào… Những người ở lại làm bông hoa tai, trang sức cho phụ nữ, hiện vẫn còn khoảng 50-60 hộ làm, cuộc sống người dân cơ bản khấm khá. Nhưng dường như sự năng động, cần mẫn, chịu thương chịu khó của người dân Tứ Hiệp đã ăn sâu vào máu thịt, họ không bằng lòng với những gì đã có, mà luôn năng động tiếp cận với thương trường. Có lẽ vì vậy mà dịch vụ ở Tứ Hiệp rất phát triển. Theo ông Trương Đức Long, xã đã có 486 doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh, 345 hộ cho thuê nhà trọ hoạt động hiệu quả.
Không chỉ những hộ làm kinh doanh dịch vụ, ngay cả những hộ làm nông nghiệp cũng năng động, tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị đất canh tác. Hiện nay, Tứ Hiệp đã vận động nhân dân dồn đổi ruộng và tổ chức chuyển đổi, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 135ha trong tổng số 202,8ha cấy lúa không có hiệu quả. Số diện tích còn lại trồng rau màu và cây ăn quả giá trị cao. Hiện nay, các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Tứ Hiệp đã cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha, cao gấp 5-6 lần so với cấy lúa. Một trong những trang trại (TT) làm ăn hiệu quả ở Tứ Hiệp là TT chăn nuôi thủy sản của gia đình anh Quán Hải Hồng. Đây là hộ NTTS có quy mô lớn nhất xã với diện tích gần 30ha và cũng là một trong những "tỷ phú" NTTS ở vùng đất trũng Tứ Hiệp. Do nuôi cá theo hình thức thâm canh, tăng vụ nên giá trị sản xuất tăng gấp 2-3 lần so với trước. Hiện nay, TT của anh đã cho thu 4 lứa cá/năm. Tổng doanh thu từ NTTS đạt 2,4 tỷ đồng/năm, trừ chi phí thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Mặc dù không phải xã làm điểm trong chương trình xây dựng NTM nhưng ngay từ năm 2010, khi có chủ trương xây dựng NTM, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ này. Hiện nay, xã đã cơ bản hoàn thành 17/19 tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí khó hoàn thành nhất, "nâng cao thu nhập" với mức thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm. Tứ Hiệp đang phấn đấu từ nay đến năm 2013 sẽ hoàn thành tất cả 19/19 chỉ tiêu xây dựng NTM. Xã có 3 trường thuộc 3 cấp học đều đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia. 100% đường giao thông dài 10,7km đã được bê tông hóa; 1,3km đường liên thôn đã được trải nhựa. Hệ thống thủy lợi, trường học, nhà văn hóa cơ bản đã hoàn chỉnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.