(HNMCT) - Việc Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn. Đặc biệt, sự kiện này một lần nữa khẳng định Hà Nội thực sự xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”...
Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội một lần nữa khẳng định Hà Nội thực sự xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, điểm đến an toàn, hấp dẫn, mến khách, đồng thời cũng là cơ hội vàng để quảng bá, phát triển du lịch Thủ đô. Ảnh: Bùi Việt |
1. Những ngày này, Hà Nội đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.
Có thể nói, việc chọn Thủ đô của Việt Nam làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ II (diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2-2019) cho thấy giới lãnh đạo các bên tham gia hội nghị đã đánh giá rất cao về mọi mặt, bao gồm cả mức độ an toàn cũng như khả năng tổ chức một sự kiện chính trị - ngoại giao tầm cỡ quốc tế của thành phố Hà Nội cũng như Việt Nam nói chung.
Mặc dù chỉ được thông tin chính thức trước 2 tuần (trong khi Singapore - chủ nhà đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ I, biết trước 2 tháng) nhưng chúng ta đã nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bị. Đường phố Thủ đô như khoác áo mới, sạch đẹp, thông thoáng, trang hoàng cờ hoa cùng những tấm pa nô, áp phích mang thông điệp hòa bình... Đó là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của các cấp ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân Thủ đô, với tư cách “chủ nhà”, cũng là dịp bày tỏ truyền thống thân thiện, mến khách và niềm tự hào về thành phố nghìn năm văn hiến của mình.
Trước hết, việc Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ II, sau thành công của những sự kiện tầm cỡ trước đây như Hội nghị thượng đỉnh APEC, ASEM 5..., tiếp tục khẳng định, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, việc đăng cai tổ chức cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia có một quá khứ xung đột, đối đầu kéo dài gần 2/3 thế kỷ, đã khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề nóng của thế giới. Có thể hy vọng hội nghị lần này sẽ là bước tiến quan trọng để đi đến một nền hòa bình, thống nhất cho bán đảo Triều Tiên sau gần 70 năm kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953, và nếu thực tế diễn ra đúng như vậy chắc chắn dấu ấn Việt Nam sẽ được ghi vào lịch sử nhân loại.
Có truyền thống yêu hòa bình và đã từng phải chịu nhiều đau thương, tổn thất bởi chiến tranh, bởi vậy hơn ai hết người Việt Nam thấu hiểu giá trị to lớn của hòa bình, mong muốn góp phần mang lại hòa bình, thống nhất cho người dân hai miền Triều Tiên cũng như đóng góp vào việc kiến tạo hòa bình, duy trì ổn định của nhân loại.
Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tổ chức đúng dịp kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO tôn vinh “Thành phố vì hòa bình” (đến nay vẫn là thủ đô duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận giải thưởng này) một lần nữa khẳng định sự nỗ lực đóng góp của Hà Nội cho nền hòa bình thế giới.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ II sẽ mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc củng cố, mở rộng quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực không chỉ với Hoa Kỳ và Triều Tiên mà còn với các quốc gia trên thế giới.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê ở vỉa hè Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 20-2-2019. |
2. Bên cạnh những di tích, danh thắng và cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa lâu đời, giàu bản sắc cùng với ẩm thực phong phú, Hà Nội còn nổi tiếng là một thành phố thanh bình, người dân thân thiện, mến khách.
Những thuộc tính ấy chính là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, là nét quyến rũ riêng có của thành phố nghìn năm tuổi trong mắt du khách, bạn bè quốc tế, kể cả những chính khách, nguyên thủ các quốc gia. Thủ tướng Australia John Howard chạy buổi sáng quanh Hồ Gươm (tháng 11-2006), Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ăn bún chả ở quán bình dân trên phố Lê Văn Hưu, trò chuyện với người bán nước chè ở cổng chợ Mễ Trì (tháng 5-2016), Tổng thống Pháp Francois Hollande đi bộ, bắt tay chào hỏi người dân Hà Nội rồi rẽ vào quán cà phê trò chuyện với sinh viên (tháng 9-2016), mới đây nhất là Tổng thống Argentina Mauricio Macri đi bộ và ngồi thưởng thức cà phê ở vỉa hè Hà Nội (ngày 20-2-2019)..., có lẽ chẳng có dẫn chứng nào sinh động, thuyết phục hơn những hình ảnh ấy.
Cũng bởi thế, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên là một cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Việc được chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng này cũng là một minh chứng khẳng định Hà Nội có đủ khả năng đáp ứng những dịch vụ cao cấp, tiêu chuẩn quốc để từ đó có thể phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch công vụ, du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event - loại hình du lịch kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại...) trong thời gian tới.
Hơn thế, những bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức hội nghị lần này sẽ là tiền đề để chúng ta tiếp tục đăng cai những sự kiện quốc tế có quy mô, tầm vóc tương tự, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một “thành phố sự kiện”, trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới.
Một điều đáng nói nữa, đó là lâu nay, hầu như quốc gia nào cũng thường phải chi phí tốn kém để quảng bá du lịch trên truyền thông quốc tế. Việt Nam cũng đã từng chi hàng triệu đô la để quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình CNN, BBC World News..., tổ chức những chuyến du khảo cho các nhà báo nước ngoài viết bài, làm phim... quảng bá du lịch nước nhà.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Hoa Kỳ và Triều Tiên thu hút gần 3.000 phóng viên các hãng thông tấn, báo chí trên thế giới đến Hà Nội để đưa tin, ghi hình. Cùng với hoạt động tác nghiệp trong và bên lề hội nghị, những trải nghiệm đặc sắc về đời sống xã hội, văn hóa, du lịch Việt Nam của các nhà báo quốc tế chắc chắn sẽ xuất hiện thường xuyên, liên tục trên các chương trình truyền hình, các trang báo điện tử, báo giấy cũng như mạng xã hội, qua đó lan tỏa những hình ảnh đẹp về Hà Nội, về đất nước, con người Việt Nam tới hàng tỷ người trên thế giới.
Có thể nói đó là một cơ hội vàng hiếm có để quảng bá du lịch Việt Nam, quảng bá một cách đồng loạt, trên phạm vi toàn cầu, hơn nữa lại là “chiến dịch” quảng bá tại chỗ, hiệu quả và nhất là không tốn kém nhiều như cách quảng bá thông thường.
Sự hiện diện của gần 3.000 phóng viên quốc tế đến để đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ II tại Hà Nội là cơ hội vàng hiếm có để quảng bá du lịch Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: Phạm Khánh Huy |
3. Cả thế giới đang hướng về Hà Nội. Vì thế, chúng ta cần làm tốt vai trò chủ nhà thân thiện, mến khách, hơn thế nữa là vai trò “sứ giả” góp phần kiến tạo hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Đó không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân, thể hiện bằng lối ứng xử thanh lịch, văn minh - truyền thống ngàn đời của đất kinh kỳ văn vật, cũng không phải việc gì to tát mà chỉ đơn giản là giữ nhà cửa, hàng quán, đường phố sạch đẹp; đi lại trật tự, tuân thủ pháp luật về giao thông; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không chặt chém, chèo kéo du khách; không nói tục chửi bậy, hút thuốc, xả rác nơi công cộng...
Những ứng xử đẹp ấy chắc chắn sẽ khẳng định tiếng thơm về một Hà Nội nghìn năm văn hiến, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách... Không chỉ trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, những hành động, ứng xử văn hóa, thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân như vậy cần được lan tỏa, duy trì lâu dài. Như vậy sẽ không lãng phí cơ hội vàng mà sự kiện đặc biệt này đã mang đến cho Thủ đô và đất nước ta.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Năm bắt cơ hội để tranh thủ quảng bá các điểm đến của Việt Nam” Chúng ta tự hào vì là điểm đến an toàn, tin cậy của các bên tham gia Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần này. Đây là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Vì vậy, chúng ta phải nắm bắt cơ hội để tranh thủ quảng bá các điểm đến của Việt Nam, để bạn bè quốc tế thấy được Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, thanh bình, thân thiện, hấp dẫn. Đây là cơ hội lịch sử đối với ngành Du lịch Việt Nam khi thông tin quảng bá được đến với thế giới một cách nhanh nhất, nhiều nhất. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Phải làm sao để sau sự kiện này du lịch Việt Nam sẽ được nâng lên tầm cao mới” Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên... để triển khai công việc. Chúng tôi đã xây dựng chương trình đón tiếp, thiết lập quầy thông tin, lắp đặt màn hình, chuẩn bị tài liệu, tờ gấp tờ rơi, quà tặng (nón lá, tranh Đông Hồ) cho các phóng viên quốc tế, cùng với đó là sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp khi xây dựng các chương trình tour tham quan thành phố, trải nghiệm dịch vụ xe buýt 2 tầng với hơn 1.000 vé miễn phí và nhiều khách sạn sẵn sàng miễn phí dịch vụ lưu trú cho các phóng viên quốc tế. Đây là cơ hội cần nắm bắt và phát huy, phải làm sao để sau sự kiện này du lịch Việt Nam sẽ được nâng lên tầm cao mới. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần HanoiRedtour: “Chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng dịch vụ quốc tế” Du lịch MICE là một trong những lĩnh vực được rất nhiều nước quan tâm phát triển bởi đây là dòng sản phẩm du lịch cao cấp với đối tượng khách lớn. Việc Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tổ chức tại Hà Nội lần này đã giúp chúng ta quảng bá rất nhiều về năng lực, điều kiện tổ chức các hội nghị quốc tế lớn. Mỹ đã chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện này có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng dịch vụ quốc tế. Đó gần như là một sự bảo đảm bằng “vàng” để du khách có thể yên tâm khi lựa chọn tổ chức du lịch MICE tại Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh những lợi thế về cảnh quan sẵn có, Hà Nội hoàn toàn có thể tiến tới phát triển dòng sản phẩm du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo gắn với việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.