(HNM) - Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013, với khoảng 200 doanh nghiệp cùng lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan tham dự.
Việc xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế cũng như gọi đầu tư của DN trong, ngoài nước vào các tỉnh Tây Bắc, thúc đẩy sự giao thương giữa các tỉnh ngoài khu vực với Tây Bắc kết hợp liên kết nội vùng, từ đó tạo bước phát triển ổn định, bảo đảm an sinh xã hội theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Nông sản là một trong những mặt hàng thế mạnh của Tây Bắc. Ảnh: Trọng Hải |
Để đạt được mục tiêu này, cần tạo bước đột phá bằng việc gọi đầu tư cho mục tiêu hoàn thành những dự án đường Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên cùng một số tuyến đường nối giữa các tỉnh với nhau. Với phương châm sẵn sàng thắt chặt quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn, tìm cơ hội đầu tư trong thời gian tới, trước mắt, TP Hà Nội tập trung triển khai một số thỏa thuận đã ký với các tỉnh, tiếp tục nghiên cứu khả năng mở rộng các chương trình, dự án cụ thể thuộc ngành du lịch, thương mại, kinh tế rừng, an sinh xã hội, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng, xóa đói giảm nghèo…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, việc xúc tiến đầu tư tại vùng Tây Bắc lần này là cơ hội cho DN Thủ đô tìm hiểu tình hình, vươn tới một thị trường giàu tiềm năng. Hà Nội sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục cho các tỉnh bạn, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nơi đây. Những năm qua, Hà Nội đã ủng hộ các tỉnh Tây Bắc 242 tỷ đồng… Đại diện các DN cũng đề nghị, mỗi địa phương ở vùng Tây Bắc cần xác định rõ, công bố công khai cơ chế, chính sách với nhà đầu tư; nhất là những ưu đãi cụ thể. Trong đó, nhà đầu tư mong muốn được hưởng nhiều ưu đãi hơn, bởi họ phải chi phí cao hơn so với khi đầu tư vào khu vực khác. Đặc biệt, UBND cấp tỉnh cần ban hành cơ chế cho phép DN đầu tư làm công trình hạ tầng, đường bộ sau đó được quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên với điều kiện hợp lý…
Ngay sau hội nghị xúc tiến đầu tư, chính quyền các tỉnh Tây Bắc đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án, với tổng vốn 10.623 tỷ đồng; các ngân hàng đã ký thỏa thuận cho vay tín dụng với 14 dự án, tổng vốn hơn 20.000 tỷ đồng và 35 triệu USD; đại diện 16 dự án khác cũng ký thỏa thuận cam kết đầu tư, với tổng vốn 16.816 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.