Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xúc tiến các hoạt động nhân đạo tại Ukraine: Bảo đảm an toàn cho người dân

Hoàng Linh| 07/03/2022 08:01

(HNM) - Nỗ lực phối hợp xúc tiến các hoạt động nhân đạo tại Ukraine vào lúc này là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc sơ tán dân thường ra khỏi vùng chiến sự, dịch vụ y tế khẩn cấp, thuốc thiết yếu, nước sạch... là những nhu cầu đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm sự an toàn của người dân trong bối cảnh chưa có tín hiệu cho thấy xung đột quân sự sẽ đi vào hồi kết.

Người tị nạn từ Ukraine có thể sống, làm việc và học tập tại EU trong 2 năm.

Ngày 5-3, lô viện trợ đầu tiên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) gồm thiết bị bảo vệ cá nhân phòng Covid-19, thuốc men, dụng cụ sơ cứu và hộ sinh… đã được gửi tới thành phố Lviv - miền Tây Ukraine. Một lô vật tư bổ sung gồm 17.000 tấm chăn và quần áo mùa đông cho trẻ em cũng đang trên đường qua Ba Lan trước khi tới Ukraine. Trước đó, cuối tháng 2-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã trích 3,5 triệu USD để mua thiết bị y tế chuyển đến Ukraine. Liên hợp quốc cũng kêu gọi quyên góp khẩn cấp 1,7 tỷ USD để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine và người tị nạn nước này ở các quốc gia láng giềng.

Bên cạnh nỗ lực cứu trợ tại chỗ, công tác chuẩn bị tiếp nhận làn sóng di tản quy mô lớn từ Ukraine, ước tính có thể lên tới 1 triệu người, cũng được quan tâm. Liên minh châu Âu (EU) đang thiết lập các trung tâm nhân đạo ở những nước thành viên phía Đông của khối gồm: Ba Lan, Romania và Slovakia, đồng thời chuẩn bị dự trữ y tế cần thiết cho những trung tâm này. Các thành viên EU cũng đạt nhất trí về cơ chế hỗ trợ người dân Ukraine sơ tán. Theo đó, người Ukraine di tản tới các nước EU sẽ có quyền sống, làm việc và học tập trong vòng 2 năm.

Những nỗ lực ban đầu đó là rất đáng hoan nghênh, trong bối cảnh người dân Ukraine ngày càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo UNICEF, từ khi xung đột quân sự leo thang, nhiều gia đình đã phải trú ẩn dưới lòng đất, không được cung cấp các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Các bệnh viện đã phải chuyển bệnh nhân xuống tầng hầm. Trên khắp đất nước, hàng trăm nghìn người không có nước uống an toàn do hạ tầng cấp nước bị hư hại. Ukraine cũng đã cạn kiệt các vật tư y tế quan trọng, thậm chí phải tạm dừng các nỗ lực khẩn cấp để kiềm chế sự bùng phát bệnh bại liệt.

Trong khi đó, Liên hợp quốc dự báo, làn sóng tị nạn từ Ukraine có thể lên tới 5 triệu người nếu chiến sự leo thang theo kịch bản tồi tệ nhất. WHO cũng lo ngại về một "thảm họa nhân đạo" khi các hệ thống y tế hứng chịu thiệt hại từ giao tranh. Tổ chức này nêu rõ, các chuyên gia y tế, bệnh viện… tuyệt đối không thể trở thành mục tiêu tấn công và phải tiếp tục đáp ứng nhu cầu sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Số ca nhiễm Covid-19 tại Ukraine đã tăng 555% trong giai đoạn từ ngày 15-1 đến 25-2, hiện vào khoảng 4,8 triệu trường hợp. Cùng với WHO, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cũng khẳng định, bảo vệ dân thường là một nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, nỗ lực triển khai hoạt động nhân đạo tại Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức. Điển hình là việc hành lang nhân đạo thiết lập bởi một lệnh ngừng bắn vào ngày 5-3 nhằm giúp người dân ở thành phố Mariupol và thị trấn Volnovakha sơ tán đã không đạt kết quả như mong muốn. Theo thông tin từ quân đội Nga và ICRC, hầu như không có dân thường nào được di chuyển qua “khe cửa hẹp” này vì nhiều lý do khác nhau.

Trong bối cảnh xung đột quân sự chưa có hướng tháo gỡ, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động nhân đạo hỗ trợ người dân là cần thiết và phù hợp với mong muốn của cộng đồng quốc tế. Cũng cần khẳng định, tuân thủ các thỏa thuận và quy định về nhân đạo sẽ là thước đo chính xác nhất về mức độ nghiêm túc của các bên liên quan trong việc thực thi cam kết hạn chế thương vong cho dân thường tại Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến các hoạt động nhân đạo tại Ukraine: Bảo đảm an toàn cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.