Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu thủy sản làm... cảnh!

Đặng Loan| 20/04/2018 06:12

(HNM) - Xuất khẩu thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam. Những năm gần đây, thế mạnh xuất khẩu đó tiếp tục được phát huy nhưng không phải để làm thực phẩm mà làm... cảnh.


Nghề "triệu đô"

Trang trại nuôi cá Châu Tống của kỹ sư Tống Hữu Châu nằm ở phường Thạnh Xuân (quận 12) có đến gần 60 loài cá cảnh. Dẫn tôi đi xem một vòng các bể cá, ông khoe cặp cá đĩa rắn beo (Leopard Snake Skin) mà ông phải mất khoảng 5 năm để phối giống, chọn lọc thành công. Ông Châu chia sẻ: Một con cá đĩa đẹp phải to, tròn, nhiều sọc và hoa văn đều. Cặp cá đĩa rắn beo “cưng” của ông có 10 sọc đều và dài từ đầu đến đuôi. Đặc biệt, đây là loại cá đĩa mắt đỏ mà thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là Châu Âu rất ưa thích.

Chăm sóc cá cảnh ở trang trại Châu Tống.


Bắt đầu xuất khẩu cá cảnh từ năm 1998, là một trong những người đầu tiên tham gia thị trường này, ông Tống Hữu Châu cho biết, xuất khẩu cá cảnh hiện tại rất khác so với những năm trước đây. Nếu trước đây thị trường nhập khẩu chấp nhận cả những loài cá bình thường như hồng kim, cá vàng, cá chép Nhật, cá tai tượng… thì nay đòi hỏi nhiều loài cá mới, đẹp, chất lượng. Cụ thể như loài cá đĩa, trước đây chỉ là những loại thông thường như cá đĩa bông xanh, bông đỏ nhưng hiện nay thị trường rất chuộng cá đĩa rắn beo. "Con cá đĩa rắn beo do các chủ trại cá ở Việt Nam lai tạo đang được giới cá cảnh nhiều nước chú ý vì cấu trúc về hoa văn, màu sắc vượt trội hơn hẳn các nước khác" - ông Tống Hữu Châu bộc bạch.

Neon vua cũng là loài cá màu sắc rất đẹp và đang được thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Châu Âu ưa chuộng. Đại diện Công ty Thiên Đức (huyện Củ Chi) cho biết, hiện nơi này có khoảng 40.000 cặp cá neon vua đang sinh sản, 1 tháng sản xuất trung bình 300.000-400.000 con, giá xuất khẩu từ 2.000-5.000 đồng/con.

Bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cá cảnh với quy mô lớn có hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu như Công ty Sài Gòn cá kiểng, Sinh vật cảnh Thiên Đức, Ưu Mỹ, Cường cá cảnh, Tropic Blue, Xanh tươi, Phương Nam và một số trại cá như Châu Tống, Tân Xuyên, Ba Sanh… Những loài cá cảnh có tỷ lệ xuất khẩu cao hiện nay là cá đĩa, neon, bảy màu, mô ly, hòa lan, phượng hoàng, chạch rắn, lòng tong, bướm bầu, thủy tinh, xiêm, sặc, ông tiên, tai tượng…

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, năm 2017, thành phố sản xuất được 155 triệu con cá cảnh, xuất khẩu 18,2 triệu con, kim ngạch đạt 20 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm 2018, sản xuất cá cảnh tăng mạnh với 62,5 triệu con (tăng 42% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu đạt gần 6,9 triệu con (tăng gần 14%). Cá cảnh của TP Hồ Chí Minh đã xuất khẩu đến 52 quốc gia, trong đó thị trường Châu Âu chiếm hơn 50%, còn lại là thị trường Châu Á, Châu Mỹ và Nam Phi. Về chủng loại, cá xuất khẩu có hơn 70 loài, trong đó khoảng 45 loài nuôi sinh sản nhân tạo, hơn 20 loài khai thác từ tự nhiên và khoảng 10 loài có nguồn gốc nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…

Liên kết để sản xuất, xuất khẩu

Để phát triển ngành cá cảnh, hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 100% lãi suất cho vay xây dựng cơ bản, tiền mua con giống…, tuy nhiên, theo ông Tống Hữu Châu, người nuôi cá cảnh rất cần được hỗ trợ cá giống. Với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu, luôn đòi hỏi các sản phẩm mới lạ, trong khi chất lượng giống cá cảnh của thành phố ngày càng bị suy thoái. Hiện giống cá tại các trang trại đang lai tạo là du nhập chủng loại cá từ nước ngoài về và lai tạo ra dòng mới. "Nếu giống nhập về sinh sản thì rất dễ gặp gen lỗi vì không biết cá bố mẹ có thuộc F1 không. 5 năm trở lại đây, một số nghệ nhân đã tạo ra những loài cá đĩa mới đẹp, có sức thu hút với khách hàng. Tuy nhiên, để có được con cá này các nghệ nhân phải bỏ ra 4-5 năm lai tạo. Sở dĩ tốn nhiều thời gian vì người nuôi không có thiết bị công nghệ mà chỉ thực hiện phối giống. Chẳng hạn, các chủ trại cá lựa thế hệ F1 phối giống, rồi một năm sau cá bố mẹ mới đẻ con, rồi lại chọn cá bố mẹ, dưỡng rồi lọc lại..." - ông Châu phân tích.

Từ thực tế trên, ông Châu cho rằng rất cần các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học tạo ra những giống mới và chuyển giao cho nông dân. Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã cấp kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu về các loài cá như chạch lửa, thái hổ, thủy tinh, neon bản địa… Tuy nhiên, nhiều đề tài nghiên cứu không triển khai được trong thực tế sản xuất, kinh doanh vì cung - cầu chưa gặp nhau.

Theo bà Võ Thị Mộng Thu, xuất khẩu cá cảnh tiềm năng rất lớn, tuy nhiên, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ chiếm phần lớn như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy cần thiết phải đẩy mạnh mô hình sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã, qua đó, các thành viên cùng liên kết và thực hiện mô hình sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh liên kết với các hộ sản xuất nhỏ lẻ để chịu trách nhiệm tìm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm. Nếu thực hiện được điều này, sẽ tăng được năng lực xuất khẩu cá cảnh trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu thủy sản làm... cảnh!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.