(HNMO) - Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 19,7% là kết quả khá tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2013. Kim ngạch 3 tháng đầu năm ước đạt 23,5% kế hoạch năm và cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội thông qua là 10%.
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng cao nhất tăng 31,8%, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm nhẹ 0,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ tăng nhẹ 1,2%.
Theo đó, tỷ trọng của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến. Cụ thể, so với tỷ trọng của quý I năm 2012, quý I năm 2013 tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến đã tăng từ 63,3% lên 69,7%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm từ 10,45% xuống còn 8,84%; nhóm hàng nông lâm sản giảm từ 19% xuống còn 15,8%.
Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự đóng góp lớn của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu không kể dầu thô xuất khẩu khối này tăng 27,1%, điều này cho thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực, kinh nghiệm và thị trường sẵn có vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu.
Xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước so với cùng kỳ năm 2012 tăng 10,1%, trong khi đó cùng kỳ năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 không tăng, đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước để khôi phục sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy vậy, lượng xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản giảm cho thấy sự hạn chế trong việc gia tăng sản lượng và sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (như mặt hàng cà phê); giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm và tăng thấp so với cùng kỳ đã khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm này sụt giảm (cao su, cà phê, chè...). Vì vậy, theo Bộ Công thương các giải pháp như mua tạm trữ, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đáo hạn ngân hàng, tìm kiếm thị trường cần phải được thúc đẩy.
Mặt khác, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao nhất, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu; trong đó có sự đóng góp lớn của các ngành hàng có vốn đầu tư nước ngoài như: máy vi tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép... cho thấy tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những nhóm mặt hàng này.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần, theo đó, nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước tăng hơn so với mức tăng của cùng kỳ (xuất khẩu tăng 10,1% và nhập khẩu tăng 7,9%, cùng kỳ năm 2012 xuất khẩu tăng 5,1% và nhập khẩu giảm 10,7%), đây có thể là tín hiệu khả quan về việc sản xuất bắt đầu hồi phục.
Mặt khác, với xu hướng nhập khẩu tăng dần từ tháng 2, xuất siêu ở mức 482 triệu USD, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng tăng nhập khẩu có thể xem là yếu tố phục hồi sản xuất, tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu về giảm dần nhập siêu các biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu vẫn cần được duy trì.
Theo đánh giá từ Bộ Công thương, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm tăng 10%, tức là phải đạt 126,1 tỷ USD. Ba tháng đầu năm đạt hơn 29,68 tỷ USD bằng 23,5% kế hoạch (bình quân 1 tháng đạt 9,89 tỷ USD). Chín tháng tiếp theo phải đạt trên 96,42 tỷ USD, bình quân 1 tháng phải đạt hơn 10,7 tỷ USD, theo cơ cấu xuất khẩu của các quý của những năm trước và xu hướng nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, đây là con số phải rất nỗ lực mới thực hiện được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.