(HNM) - Liên minh châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam với 18% lượng hàng hóa xuất khẩu, trong đó chủ yếu là nông sản. Ngày 30-6 vừa qua, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư, tiếp tục mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, song hành với đó là không ít thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần sớm có giải pháp hiệu quả để vượt qua, bảo đảm xuất khẩu phát triển bền vững.
Thuận lợi, khó khăn đan xen
Với 28 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, Liên minh châu Âu (EU) có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản từ khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, trong bảng xếp hạng của EU về những đối tác thương mại nông sản, Việt Nam xếp thứ 12 với khả năng cung ứng 2,2% nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường EU.
Ngày 30-6-2019, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU, tiếp tục mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Theo tính toán, sau khi xóa bỏ thuế quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và con số này được nâng lên 42,7% vào năm 2025 so với thời điểm chưa ký hiệp định.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp thương mại - du lịch Bầu Mây (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Lâm Ngọc Nhâm nhìn nhận: Hiệp định EVFTA được ký kết thay vì phải chịu mức thuế xuất khẩu vào thị trường này 14%, nhiều nông sản của Việt Nam sẽ được giảm còn 1% ngay từ năm đầu tiên.
Đặc biệt, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới còn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nguồn nguyên liệu ổn định; nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý…
Đánh giá thêm về những cơ hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin, châu Âu thuộc vùng ôn đới nên không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới. Do đó, trong thương mại song phương, Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.
Cơ hội rõ ràng là rất lớn, song Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EU là thị trường có đòi hỏi, yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, không dễ để đáp ứng. Trong khi đó, tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp của Việt Nam từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Hầu hết, các vùng nguyên liệu nông sản nằm xa nhà máy chế biến, nên gây khó khăn cho việc chế biến xuất khẩu.
Đáng nói, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, tự phát, trong khi ở một số nơi, nông dân chưa được hướng dẫn về sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản…
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng băn khoăn: “Hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về các hiệp định thương mại còn hạn chế; hiện có tới 77% doanh nghiệp không biết, hoặc lần đầu nghe nói tới EVFTA, trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không phải là ngoại lệ".
Chú trọng nâng cao chất lượng
Nhận định về thị trường xuất khẩu nông sản sang EU thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngoài những nỗ lực của các bộ, ngành trung ương đang triển khai các chương trình hành động xúc tiến thương mại cụ thể, thì bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua thách thức, tận dụng tốt thời cơ.
Trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm. Không chỉ ở giai đoạn vận chuyển, các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ trong toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ.
“Tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ cho người sản xuất thông qua các chương trình tập huấn về sản xuất theo quy chuẩn xuất khẩu nông sản sang EU”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Là những người "trong cuộc", thực tế tham gia xuất khẩu nông sản, nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình với quan điểm nêu trên. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn Trần Quốc Mạnh chia sẻ: “Doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường EU cần đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng. Cùng với đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu không sẽ rất khó tiếp cận thị trường EU”.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi Lại Hồng Chí (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho rằng: “Thay vì chỉ hướng đến sản phẩm cuối cùng, các doanh nghiệp, hợp tác xã nên lưu ý trên toàn bộ chuỗi giá trị, các khâu sản xuất phải được phòng vệ rủi ro; truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của sản phẩm... phải công khai, minh bạch, tạo đà cho xuất khẩu nông sản sang EU tăng trưởng bền vững”.
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản sang EU, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP, GlobalGAP. Muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng...
Bộ NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, đầu tư vào chế biến, chế biến sâu, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, tập trung khai thác tối đa những mặt hàng có thế mạnh còn nhiều dư địa xuất khẩu, như: Thủy sản, đồ gỗ, rau, quả, gạo…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.