(HNM) - Năm 2019 được nhận định có nhiều khó khăn với xuất khẩu nông sản bởi nhiều thị trường nhập khẩu siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật; bên cạnh đó, biến động thương mại toàn cầu cũng có những ảnh hưởng không nhỏ.
Hai chiều sụt giảm - tăng trưởng
Những tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản nói chung tuy duy trì được đà tăng trưởng song theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản (Bộ NN& PTNT), tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Tín hiệu rõ nhất là nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đều sụt giảm đáng kể cả về giá trị kim ngạch và khối lượng.
Cụ thể, 4 tháng qua, nhóm hàng nông sản chính xuất khẩu ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối lượng gạo xuất khẩu giảm 8%, giá trị giảm 19%; cà phê giảm 13% khối lượng và 19% giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn giảm 14% khối lượng, 3,3% giá trị…
Kiểm tra các mặt hàng nông sản xuất khẩu. |
Phân tích tình hình, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, sự sụt giảm các mặt hàng này phần lớn là do tác động của các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Đơn cử, dù vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, nhưng từ tháng 6-2018 đến nay, Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này. Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống (nhập khẩu gạo Việt Nam) như Philippines, Indonesia... hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm.
Tương tự, chỉ tính 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhân điều giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là chất lượng nhân điều của Việt Nam còn thấp nên dù xuất khẩu với số lượng ổn định, giá trị vẫn giảm...
Điều đáng mừng là bên cạnh sự sụt giảm của một số mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu nhiều nông sản vẫn duy trì tăng trưởng, thậm chí có bứt phá. Điển hình là mặt hàng rau quả. Nếu như trong quý I, xuất khẩu ngành hàng này tăng trưởng âm thì đến tháng 4 vừa qua đã tăng trưởng dương trở lại với mức khá cao: Xuất khẩu rau quả 4 tháng đạt giá trị 1,409 tỷ USD (tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước)...
Ghi nhận rõ nét nữa là các ngành hàng lâm sản và thủy sản trong 4 tháng qua duy trì tăng trưởng, trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 2,48 tỷ USD, tăng 2,4%; lâm sản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 17,8%... so với cùng kỳ năm 2018.
Giải pháp hàng đầu
Theo nhận định của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong những tháng tiếp theo dự báo chuyển biến tích cực hơn… song vẫn còn khó khăn, thách thức. Do vậy, cần phân tích rõ hạn chế từng mặt hàng đang sụt giảm để có giải pháp khắc phục.
Cụ thể, đối với sắn và các sản phẩm từ sắn, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc. Do nước bạn dần chủ động nguồn sắn nguyên liệu nênngành sắn Việt Nam cần giảm diện tích trồng, nâng cấp chất lượng sắn phục vụ ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường này...
Đối với mặt hàng lúa gạo, theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, các bộ, ngành cần đàm phán về việc đánh giá mức thuế (cao - PV) với gạo Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường mới nhằm bù đắp sự sụt giảm tại những thị trường truyền thống. Đặc biệt, cần có chiến lược thâm nhập sâu hơn thị trường lớn khác, như: Châu Âu, Mỹ…
Với mặt hàng điều, để đạt giá trị đúng như thang bậc hiện nay - Việt Nam là nước xuất khẩu điều số 1 thế giới - ngành điều cần sớm tìm lời giải về nguồn cung nguyên liệu an toàn bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đổi mới trồng, chăm sóc cây theo quy trình tiên tiến, chống dịch bệnh, năng suất cao, bảo đảm chất lượng ngay từ hạt điều thô; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm từ điều...
Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm GOC (tỉnh Bắc Giang) Phan Văn Thường cho rằng: "Doanh nghiệp không nên cố gắng xuất khẩu nhiều nông sản, mà thay vào đó nên nâng cấp hệ thống quản lý và đầu tư vào giá trị sản phẩm. Chẳng hạn như mở rộng liên kết với nông dân, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào sản phẩm, đầu tư cho dây chuyền sản xuất, tìm kiếm thị trường, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến...".
Về tổng thể, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: "Chất lượng vẫn là giải pháp hàng đầu cho nông sản xuất khẩu hiện nay của Việt Nam. Việc nâng cao chất lượng cần được tiến hành đồng đều trên tất cả ngành hàng".
Về thị trường, Bộ NN&PTNT đang tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đem lại...
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT tiếp tục chú trọng công tác dự báo thị trường, nhất là những thị trường trọng điểm (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể xảy ra đối với nông sản xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại thị trường thế giới...
Đây chính là những giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài để nông sản Việt Nam vươn xa, thâm nhập sâu rộng hơn trên thị trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.