Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu khả quan nhưng chưa thể chủ quan

Theo Tin tức| 09/06/2018 08:57

Với mức tăng trưởng 15,8% trong 5 tháng đầu năm, đạt 93,09 tỷ USD, cùng với những yếu tố thuận lợi về thị trường và giá cả, nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 10% trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.

Bốc xếp gạo xuất khẩu của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN


Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư

Bộ Công Thương cho biết, tháng 5 kim ngạch xuất khẩu đạt 19,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,63 tỷ USD, tăng 14%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,57 tỷ USD, tăng 4,5%.

Đáng lưu ý, trong tháng này kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng đều tăng so với tháng 6. Đặc biệt, tăng mạnh nhất là nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng 35,9% với động lực chính là tăng trưởng của mặt hàng dầu thô (kim ngạch tăng 110,5% so với tháng 4-2018).

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Không những thế, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với với khối doanh nghiệp FDI là một trong những điểm sáng đối với hoạt động xuất khẩu.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 26,43 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 15% so với cùng kỳ 2017, đạt 66,6 tỷ USD.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong thời gian qua chủ yếu là nhờ những tín hiệu tích cực của kinh tế thế giới, đặc biệt là tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc…

Bên cạnh sự phục hồi của kinh tế thế giới, giá hàng hóa thế giới tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2018 cũng là yếu tố tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, có 10/16 mặt hàng có giá xuất khẩu tăng trong 5 tháng đầu năm 2018. Trong đó có thể kể tới như mặt hàng gạo tăng 25,6%, hạt điều tăng 3,2%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 43,6%, dầu thô tăng 32,8%…

Đặc biệt, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU, Trung Quốc, thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 5 đạt 19,7 tỷ USD, tăng khá mạnh 14,5% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế đến hết tháng 5, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 89,7 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 36,82 tỷ USD, tăng 10,4%; nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 52,88 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, vải các loại, sắt thép, xăng dầu, chất dẻo, kim loại thường, nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép, hóa chất.

Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu lớn nhất vẫn là Trung Quốc với kim ngạch đạt 24,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ…

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tính chung 5 tháng qua, Việt Nam vẫn thặng dư thương mại khá lớn và đạt 3,4 tỷ USD.

Như vậy, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư được ghi nhận là một trong những điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Đây là dấu hiệu đáng khích lệ nhằm đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chưa thể chủ quan

Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) chia sẻ: Để có được những kết quả này một phần không nhỏ là nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng tích cực... đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Không những thế, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nông sản và thủy sản tiếp tục được hưởng lợi lớn từ các FTA đã ký kết thời gian qua. Đặc biệt, một số ngành hàng nhất là dệt may, da giày đã nhận được đơn hàng đến hết quý III và cho cả năm 2018.

Cũng theo phân tích của ông Dương Duy Hưng, việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước có xu hướng tăng trở lại cho thấy dấu hiệu tích cực đối với hoạt động sản xuất trong nước. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp chế biến - nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.

Hơn nữa, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ và EU tăng trưởng cao hơn trong những tháng đầu năm 2018 cho thấy sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đang có sự thay đổi tích cực theo hướng có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu từ các thị trường khó tính có đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa.

Ngoài ra, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đang đem lại những kết quả tích cực. Diễn biến này cho thấy việc khai thác, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, tránh phụ thuộc vào một nhóm thị trường chủ lực phần nào đã có những hiệu quả nhất định.

Điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang chủ động hơn trước diễn biến của thị trường cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường tốt hơn.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu cũng không khỏi gặp khó khi Trung Quốc - thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam đang có những thay đổi chính sách về xuất nhập khẩu, siết chặt các vấn đề về quản lý chất lượng, bảo hộ sản xuất trong nước cũng như hạn chế mậu dịch biên giới…

Xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Các mặt hàng công nghiệp đứng trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (đặc biệt là sắt thép). Một số mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về lượng xuất khẩu. Một số mặt hàng khác không phát huy hết công suất chế biến xuất khẩu do thiếu hụt về nguyên liệu.

Mặt khác, các nước áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT). Nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc cũng là những nguyên nhân cản trở việc xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, ông Dương Duy Hưng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các hoạt động khuyến khích đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Cùng đó, từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, tiếp tục đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, song song với duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.

Ngoài ra, tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Riêng với nhóm hàng nông, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi với phía Mỹ để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường này.

Không những thế, Bộ Công Thương còn tiến hành làm việc với các quốc gia liên quan để họ công nhận về hệ thống kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu khả quan nhưng chưa thể chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.