Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Còn dư địa lớn để phát triển

Đỗ Minh| 22/05/2022 06:28

(HNM) -  Xuất khẩu gỗ và lâm sản ghi nhận sự tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay, đây cũng là mặt hàng nông lâm sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Với tình hình thị trường hiện nay, dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới bởi còn dư địa lớn để phát triển.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Đông Dương (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Đỗ Tâm

Tăng mạnh xuất khẩu ở thị trường lớn

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9%, trong đó tính riêng tháng 4 là 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập thông tin, thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…, ngành chế biến gỗ Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc đưa hàng tới các thị trường, gia tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của quốc gia khác. Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tại hầu hết các thị trường, trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc là những nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 79,3% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ).

Còn Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương cho biết, thời gian qua, xuất khẩu các mặt hàng nội thất bằng gỗ đều tăng mạnh ở những thị trường lớn, có giá trị cao.

Về tiềm năng của xuất khẩu gỗ và lâm sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận định, gỗ và lâm sản là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất của nông lâm sản Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu của nhóm hàng này trong năm 2022 là 18 tỷ USD và có thể đạt được. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến hết quý III-2022, một số doanh nghiệp đã chốt xong đơn hàng hết năm 2022. Hoa Kỳ và châu Âu chiếm 80% thị phần xuất khẩu mặt hàng gỗ, lâm sản của Việt Nam và vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển.

Tìm hướng phát triển bền vững 

Mặc dù có sự tăng trưởng cao trong xuất khẩu song các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trước yêu cầu phát triển bền vững.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, khó khăn lớn nhất của ngành gỗ là nguồn nguyên liệu chế biến phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, lượng gỗ rừng trồng trong nước đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu gỗ nguyên liệu trong nước thời gian qua lại có xu hướng tăng. Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) Võ Quang Hà cho rằng, cùng với "bài toán" nguyên liệu thì giá cước vận tải, chi phí sản xuất, xuất khẩu... cũng đang là những thách thức cần được hóa giải.

Trước thực tế trên, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp gỗ và lâm sản Việt Nam cần đầu tư công nghệ; hạn chế xuất dăm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu, thay vào đó là hướng mạnh sang gia công các sản phẩm tinh; đồng thời phát triển các mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi.

Để ngành gỗ phát triển bền vững, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10-3-2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Phùng Đức Tiến, đây là cơ sở để ngành gỗ khắc phục những tồn tại hiện nay. Đối với vấn đề nguyên liệu, đề án đã xây dựng rõ mục tiêu hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ; đồng thời, phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển. Ngành gỗ sẽ ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng...

Đặc biệt, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển dịch vụ logistics. Cùng với đó, Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển thương hiệu, khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu "Gỗ Việt". Mặt khác là thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng online hoặc qua các sàn thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Còn dư địa lớn để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.