Hà Nội kết nối

Bình Dương: Ngành gỗ cần làm gì để thích ứng linh hoạt và đạt kỳ vọng?

Hà Phạm 30/03/2024 - 14:52

Những tháng đầu năm 2024, ngành gỗ tỉnh Bình Dương ghi nhận sự tăng trưởng sau thời gian khó khăn trước đó. Tuy nhiên, để ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt kỳ vọng đặt ra, cần những thay đổi mang tính chiến lược.

go1.jpg
Ngành Gỗ của tỉnh Bình Dương có sự tăng trưởng đáng ghi nhận những tháng đầu năm 2024.

Hết thời “đơn hàng nguyên năm”

Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ước đạt gần 8 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật trong số đó là ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ có sự bứt phá khá ấn tượng.

Riêng trong 2 tháng đầu năm nay, dù gặp nhiều khó khăn, ngành gỗ của tỉnh vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,1 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Trong đó, thị trường chủ yếu là Mỹ, chiếm gần 83% tổng lượng xuất khẩu ngành gỗ, tăng hơn 93% so với cùng kỳ; thị trường châu Âu chiếm 4,5%, tăng hơn 67%; Nhật Bản chiếm 3,2%, tăng hơn 40%...

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ngành gỗ tỉnh đang chịu tác động chung với khó khăn của ngành gỗ Việt Nam khi thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…

Mặt khác, tác động kéo dài của dịch bệnh, xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào, phí nhân công cao…

So với thời điểm trước, xuất khẩu gỗ hiện nay đã khác, không còn đơn hàng ký theo năm, thay vào đó, doanh nghiệp làm theo mẫu, giao ngắn hạn và chủ động tìm kiếm khách hàng.

go3.jpg
Ngành gỗ và nội thất Việt Nam cần chú trọng đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt (chuyên sản xuất và cung cấp đồ gỗ, thành phố Tân Uyên) chỉ rõ, một trong những nguyên nhân khiến sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu gỗ là khoảng cách về chất lượng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp FDI thường có mạng lưới mua hàng quốc tế và sản xuất sản phẩm gỗ cho phân khúc trung và cao cấp, ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế so với sản phẩm giá rẻ.

Chủ động thích ứng và thay đổi

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch BIFA Nguyễn Liêm cho rằng, ngành gỗ Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu.

“Để đi đường dài, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ và nội thất Việt Nam cần chú trọng đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách quốc tế đánh giá cao. Qua đó, gia tăng kim ngạch xuất khẩu", ông Liêm nhấn mạnh.

go4.jpg
Ngành chế biến gỗ là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương.

Ở góc độ khác, Giám đốc Công ty TNHH gỗ An Hòa Phát (thành phố Dĩ An) Phạm Xuân Hòa cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gỗ, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đúng đòi hỏi của doanh nghiệp về chuyên môn nghề nghiệp và năng lực sáng tạo, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, tập trung mở rộng kết nối thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ trong bối cảnh kinh tế xanh, chủ động phát triển các dòng sản phẩm mới phù hợp thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng.

Theo BIFA, Bình Dương là “thủ phủ” ngành gỗ khi chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Bình Dương hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó có hơn 900 doanh nghiệp trong nước và hơn 300 doanh nghiệp nước ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Ngành gỗ cần làm gì để thích ứng linh hoạt và đạt kỳ vọng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.