(HNM) - Gạo là mặt hàng mũi nhọn xuất khẩu của ngành Nông nghiệp nói riêng, của nền kinh tế nước nhà nói chung. Điều này càng thể hiện rõ ở việc chỉ có 400.000 tấn gạo được xuất khẩu trong tháng 4-2020. Số lượng gạo xuất khẩu như trên giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bảo đảm sự cân đối giữa xuất khẩu gạo và vấn đề an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp...
Bảo đảm an ninh lương thực
Gạo là một trong rất ít các mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng lớn trong quý I-2020 khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 3 tháng đầu năm 2020 cả nước xuất khẩu 1,67 triệu tấn gạo (tăng 19,9%) và đạt giá trị 774 triệu USD (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm trước. Lý giải về sự tăng trưởng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: Nhu cầu gạo thế giới tăng bởi tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Một số nước đã tăng cường mua gạo dự trữ bởi lo dịch sẽ kéo dài, khiến nhu cầu gạo thế giới tăng và giá cũng tăng theo.
Cũng vì dịch Covid-19 tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã cân nhắc nhiều khía cạnh của việc xuất khẩu gạo. Căn cứ các ý kiến tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 31-3-2020 về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4 và 5-2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương (sau khi đã lấy ý kiến của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) là 800.000 tấn gạo trong đó trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo... Đi kèm đó là yêu cầu bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Về số lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 và 5-2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: Quý I-2020, cả nước xuất khẩu 1,67 triệu tấn, lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn. Vì thế, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 mới vào khoảng 800.000 tấn sau khi cân đối cả yếu tố bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Dưới góc độ một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 là hoàn toàn hợp lý bởi an ninh lương thực của Việt Nam hiện luôn được bảo đảm.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Võ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt (Tiền Giang) cho hay: Khoảng tháng 5, một số địa phương sẽ bước vào thu hoạch, lúc đó lúa hàng hóa nhiều. Do vậy, mức 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4 vừa kiểm soát được lượng lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực; giải quyết được nhu cầu xuất khẩu cho doanh nghiệp cũng như đời sống người trồng lúa.
Những ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cho thấy rõ vai trò điều tiết linh hoạt, kịp thời của Chính phủ cũng như các cấp bộ, ngành liên quan trong xuất khẩu gạo là cực kỳ cần thiết để bảo đảm sự phát triển chung của đất nước.
Tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng tăng cường kiểm soát
Thực tế, dù Việt Nam dự báo không thiếu gạo nhưng trước mắt Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu 800.000 tấn gạo vào tháng 4 và 5-2020 là giải pháp căn cơ, cho thấy xuất khẩu gạo vẫn sẽ được coi trọng nhưng sẽ phải tăng cường kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Chủ trương này được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo quán triệt và đồng tình. Trong đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng: “Doanh nghiệp cũng sẽ chủ động chia sẻ những khó khăn với Chính phủ và người dân để bảo đảm tuyệt đối giữa an ninh lương thực quốc gia với xuất khẩu gạo”.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính đôn đốc, chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và các công ty thành viên ưu tiên ký ngay hợp đồng với số lượng đã trúng thầu tại các cục dự trữ nhà nước khu vực theo kết quả đấu thầu. Đặc biệt, để bảo đảm an ninh lương thực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương yêu cầu 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lương thực dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan, tăng nguồn thu cho ngân sách, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào tình hình cụ thể để xây dựng phương án cũng như điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Theo đó, sẽ giữ nguyên 3,5 triệu héc ta đất trồng lúa để có thể sản xuất ra 35 triệu tấn lúa, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, dự trữ quốc gia với tinh thần tự chủ động nguồn an ninh lương thực; xây dựng các chuỗi lúa gạo chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao…
Hôm nay 20-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo. Sau cuộc họp này, trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.