Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân về ấm áp bản làng

Chí Kiên| 17/02/2015 06:46

(HNM) - Những ngày cuối năm không khí Tết ở các xã vùng núi huyện Ba Vì, Thạch Thất... thật chộn rộn. Những hộ nghèo, gia đình chính sách đã được các cấp, các ngành sẻ chia, giúp đỡ về tinh thần, vật chất với những món quà đậm chất nhân văn.

Tập luyện chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của đội cồng chiêng người Mường tại Ba Vì.



Niềm vui ở bản Mường

Những ngày giáp Tết có mưa phùn lắc rắc trên con đường về bản Mường Đồng Sống, dù đã được bê tông, rộng đến 5m nhưng đường vẫn khó đi vì có nhiều dốc cao qua đồi núi. Phải mất chừng 20 phút chạy xe máy, chúng tôi mới vượt qua quãng đường khoảng 5km, từ UBND xã Khánh Thượng vào nhà văn hóa bản Đồng Sống. Trong không khí rộn ràng, mỗi người một việc. Đang có mặt ở nhà văn hóa để đôn đốc mọi người làm công tác vệ sinh, căng băng rôn khẩu hiệu, Phó Trưởng bản Phan Văn Xuân hồ hởi cho biết: "Bà con trong bản đã cấy xong, các gia đình đang chuẩn bị đón Tết. Năm nay chúng tôi canh tác được thuận lợi hơn nhiều vì việc dồn điền, đổi thửa đã hoàn thành". Nhà văn hóa bản Đồng Sống gồm 2 căn nhà cấp 4 sạch sẽ và gọn gàng. Trong những ngày này luôn có 5 đến 6 người dân trong bản có mặt ở nhà văn hóa để làm công tác vệ sinh, xếp đặt lại bàn ghế và làm nhiều phần việc khác để chuẩn bị đón xuân. Ông Xuân cho biết thêm: "Ở trên này, nhà văn hóa luôn là nơi sinh hoạt cộng đồng. Trong dịp Tết, đây là nơi giao lưu văn hóa văn nghệ, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao". Tết năm nay bản Đồng Sống tổ chức nhiều trò chơi mang bản sắc truyền thống của người Mường như ném còn, kéo co, bắn nỏ, chơi đu... Ông Xuân nói: "Những trò chơi truyền thống của người Mường trong dịp Tết vừa hấp dẫn, vừa chứa đựng yếu tố tín ngưỡng để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, đời sống no đủ". Trên bãi đất rộng của nhà văn hóa, ông Xuân và những người dân trong bản đã chuẩn bị đầy đủ để trong ngày mùng 4 Tết tổ chức hội làng.

Bản Đồng Sống có gần 90% dân số là người dân tộc Mường, cũng là một trong những khu vực nghèo nhất của xã Khánh Thượng, hiện vẫn đang được thụ hưởng chính sách 135 của Nhà nước. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về, bản Mường Đồng Sống đâu đâu cũng tràn ngập tiếng cười. Tết này trong bản có nhiều niềm vui. Đó là đường giao thông về bản Mường đã được bê tông hóa, không còn cảnh phải lội bộ đường rừng để ra đường lớn như trước. Con trẻ cũng được đi học trên những con đường phẳng phiu, an toàn. Vui nữa là Đồng Sống đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa, mỗi hộ dân giờ chỉ còn từ 1 đến 2 thửa ruộng, rất thuận lợi cho thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Theo Phó Trưởng bản Phan Văn Xuân, chúng tôi vào thăm gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, một trong những hộ dân đã thoát nghèo và đang vươn lên nỗ lực ổn định cuộc sống. Điểm nhấn để năm 2014 gia đình anh Mạnh được Nhà nước hỗ trợ một con bò và bản thân anh mạnh dạn vay vốn để nuôi đàn dê 30 con. Anh Mạnh vui vẻ nói: "Tết này đã yên tâm hơn vì đàn dê của tôi bắt đầu bán được. Năm tới nếu xoay xở được thêm vốn tôi sẽ đầu tư để tăng đàn". Niềm vui nữa đến với gia đình anh Mạnh trong năm mới là con bò sẽ bắt đầu sinh nở lứa đầu tiên. Ông Phan Văn Xuân nói: "Cứ đà này thì chẳng mấy chốc nhiều hộ dân sẽ xây dựng được nhà cửa khang trang!".

Mọi nhà cùng vui Tết

Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Văn Trường cho biết, đến ngày 26 tháng Chạp (tức ngày 14-2-2015), toàn bộ các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn đã được nhận quà Tết của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân. Ngoài quà Tết của Nhà nước, của TP Hà Nội, huyện Ba Vì… người nghèo ở Khánh Thượng còn nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Trong ngày 9-2-2015, gần 100 đoàn viên thanh niên Cụm đoàn số 3, Công an TP Hà Nội đã tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tặng quà cho 10 em học sinh nghèo, học giỏi (300.000 đồng/suất) tại Trường THCS Khánh Thượng, tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Ngằm (3 triệu đồng) cùng 20 gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, trẻ em... Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Trường, xã Khánh Thượng cũng nhận được sự quan tâm của Công ty May thương binh, Hội Chữ thập đỏ huyện Ba Vì; Công ty cổ phần Ao Vua, Công ty Sông Hồng... Một việc làm ý nghĩa và cần thiết mà xã Khánh Thượng thực hiện trong dịp Tết này là dự trữ tại UBND xã 100kg gạo và 20 suất quà. "Chúng tôi sẽ sử dụng số nhu yếu phẩm này cho những trường hợp đột xuất, để bảo đảm nhà nhà, người người được đón Tết no đủ" - ông Trường nói.

Ở xã Ba Vì, không khí Tết ngập tràn trong nắng mới, sự kiện được nhiều người dân mong chờ trong năm qua là việc trao nhà tình nghĩa cho 30 hộ nghèo trong xã. Ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã cho biết, khảo sát hồi đầu năm 2014, trong xã có 30 hộ thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, nhà ở đã xuống cấp trầm trọng nhưng bản thân gia đình không có khả năng tự xây, sửa nhà. Để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, thành phố, huyện Ba Vì và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đã tài trợ mỗi hộ gia đình 40 triệu đồng. Điều đáng quý là từ những đồng tiền hỗ trợ này, các hộ gia đình đã huy động tiền tích lũy cộng với tiền anh em dòng họ đóng góp để dựng được ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, kịp đón Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Ba Vì là xã đặc biệt khó khăn của huyện, là xã người Dao duy nhất của TP Hà Nội. Tính đến cuối năm 2014, toàn xã vẫn còn gần 500 hộ nghèo, chiếm đến 26% tổng số hộ gia đình. Người Dao Ba Vì cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế vì đất canh tác ít, trình độ dân trí thấp, hạ tầng xã hội còn thấp kém. Dù vậy, Tết Ất Mùi năm nay nhiều gia đình nghèo vẫn ấm lòng vì nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Ông Liên cho biết: "Dù xã có số lượng hộ nghèo lớn nhất nhì thành phố nhưng chúng tôi không để hộ nào không có Tết. Đến nay toàn bộ số hộ nghèo, gia đình chính sách đã nhận được những món quà ý nghĩa của các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương".

Rời các bản làng người Mường, người Dao ở huyện Ba Vì, chúng tôi đến bản người Mường ở xã Yên Trung (huyện Thạch Thất), nơi đã từng được coi là mảnh đất "thâm sơn cùng cốc" khi mới hợp nhất về Thủ đô Hà Nội. Từ chỗ nhiều thôn bản chưa có điện thắp sáng thì đến Tết Ất Mùi này xã Yên Trung đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 19, chiếm 2,7% tổng số hộ dân. Về xã vào ngày gần Tết nên chúng tôi được chứng kiến rất nhiều điều thú vị mà người Mường nơi đây vẫn giữ được trong các tập tục truyền thống như chuyện chung nhau mổ lợn đón Tết.

Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương mời chúng tôi đến thăm gia đình và chứng kiến việc mổ lợn ăn Tết của người Mường nơi đây. Con lợn được gia đình nuôi trong cả năm và trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 28 tháng Chạp, người dân mổ lợn cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết, phù hộ cho con cháu trong gia đình sang năm mới khỏe mạnh, nuôi được lợn to, trâu bò khỏe mạnh, cây trồng tốt tươi. Năm nay gia đình ông có đầy đủ con cháu trong gia đình tham gia và mỗi người sẽ chia nhau một phần để mang về nhà ăn Tết. Chủ tịch xã Hoàng Phương cho biết, ngoài phong tục mổ lợn chung, tại trung tâm văn hóa xã đã dựng cây nêu, nơi đây sẽ tổ chức bắn nỏ, ném còn, kéo co...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về ấm áp bản làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.