Văn nghệ

Cồng chiêng lại gọi xuân về

Ngọc Quỳnh 08/02/2024 - 12:17

Khi những cánh hoa mai, hoa đào bắt đầu bừng nở thì ở các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình - 3 xã miền núi của huyện Thạch Thất lại ngân vang tiếng cồng chiêng cùng điệu múa rộn ràng của các cô gái Mường trong buổi tập luyện chuẩn bị cho ngày hội đầu xuân.

hnm.1cdn.vn-thumbs-1200x630-2022-12-20-_nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn-uploads-images-phananh-2022-12-20-_muong1.jpg
Đội cồng chiêng xã Ba Trại (huyện Ba Vì) tập để biểu diễn trong dịp lễ Tết. Ảnh: Tuyến Lê

Báu vật lưu truyền

Bà Đỗ Thị Dung, Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn 6, xã Yên Bình phấn khởi cho hay, sau 15 năm sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, cùng với phát triển kinh tế, đời sống của người Mường cũng được nâng cao, những giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc dân tộc nhờ đó cũng được khơi dậy, phát huy. Đối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc cụ truyền thống mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Nghệ thuật cồng chiêng tham gia vào tất cả hoạt động trong đời sống của người Mường, từ khi sinh ra đến khi tiễn biệt linh hồn từ "xứ Mường người" về "xứ Mường ma"...

“Người Mường coi cồng chiêng là báu vật và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Không chỉ người cao tuổi mà cả những cháu nhỏ ở các thôn cũng biết đánh cồng chiêng. Xã Yên Bình có 10 thôn thì có tới 12 đội cồng chiêng. Vào dịp lễ tết, xứ Mường Yên Bình lại rộn ràng, ngân vang tiếng cồng chiêng, thay lời chúc “trâu bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui” - bà Dung chia sẻ.

Nói về những thay đổi trong đời sống văn hóa của người Mường, theo nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn (thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân), trước đây, đời sống của người Mường còn nghèo khó, thôn bản dần vắng bóng những bộ chiêng quý, người dân cũng ít đánh chiêng và sao lãng việc truyền dạy cho thế hệ sau. Từ khi về với Hà Nội, văn hóa của đồng bào Mường được quan tâm, chăm sóc.

“Với mong muốn thắp lửa đam mê biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường, tôi đã vận động thanh niên ở các thôn bản tham gia tập luyện cồng chiêng, truyền dạy cho họ kỹ thuật đánh, cách đo âm vực cồng chiêng bằng sải tay, giảng giải ý nghĩa văn hóa được mã hóa trong chuỗi âm thanh trầm bổng” - bà Thìn cho biết thêm.

Không chỉ huyện Thạch Thất mà các thế hệ người Mường ở huyện Ba Vì cũng nỗ lực lưu giữ nét đẹp truyền thống của ông cha. Xã Ba Trại là một trong những địa phương ở Ba Vì có nhiều người Mường sinh sống. Nơi đây, văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con.

Bà Đinh Thị Nhung ở thôn 5 cho hay, văn hóa dân tộc Mường chứa đựng lối sống giàu đạo lý, nhân văn, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy từ bao đời. Một trong những niềm tự hào của văn hóa Mường là biểu diễn cồng chiêng và hát tiếng Mường. Giữa núi rừng, bên cạnh những mái nhà khang trang, hiện đại, vào những ngày lễ quan trọng, tiếng cồng chiêng trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống đồng bào dân tộc Mường.

Tiếp lửa giữ “hồn thiêng” ngân vang

Để lan tỏa, phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) Kiều Quang Huấn cho biết, thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, đồng thời khôi phục, phát huy một số di sản văn hóa như trang phục, ngôn ngữ, chiêng Mường, mo Mường...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, huyện Thạch Thất đã trang bị 35 bộ chiêng Mường, 50 bộ trang phục truyền thống cho 35 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; thường xuyên tổ chức trình diễn trang phục dân tộc Mường gắn với biểu diễn văn nghệ, thu hút thế hệ trẻ tham gia. Huyện yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp với 3 xã miền núi thúc đẩy hoạt động cộng đồng về văn hóa vật thể, phi vật thể; vận động lớp người cao tuổi trao truyền lại giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hôm nay.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Lê Thị Tuyến cho hay, tại 7 xã vùng dân tộc miền núi của huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ đã thành lập 20 câu lạc bộ cồng chiêng, thu hút gần 500 hội viên tham gia tập luyện, biểu diễn. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Vì, rất cần chính sách hỗ trợ kịp thời đối với nghệ nhân dân gian, những người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc để tiếp thêm ngọn lửa đam mê trong thế hệ trẻ.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường ở Thủ đô hôm nay đã có thêm những sắc màu hiện đại, song họ vẫn coi văn hóa Mường như kho báu, bởi đó là “hồn thiêng” mang đến nhiều điều tốt lành. Và mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp các thôn làng người Mường lại ngân vang tiếng cồng chiêng, mang theo hy vọng về một năm mới sung túc, an lành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cồng chiêng lại gọi xuân về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.