Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân về mang niềm hy vọng mới!

Xuân Thanh| 25/01/2023 06:16

(HNM) - Một mùa xuân mới đã về trên dải đất hình chữ S. Khí xuân tràn khắp Thăng Long - Hà Nội, đất văn hiến ngàn đời, nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa của đất nước và nhân loại. Tết đến, xuân về mang theo niềm vui và nhân lên hy vọng tốt lành trong mỗi người dân nước Việt.

Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm” thu hút nhiều người tới xin chữ đầu năm mới. Ảnh: Nhật Nam

Xuân mới đã về!

“Xuân xuân ơi xuân đã về. Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến. Xuân xuân ơi xuân đã về. Tiếng chúc Giao thừa mừng đón mùa xuân…”. Thành phố văn hiến từng khắc vào xuân trong không khí ấm áp với những dự cảm tốt lành. Khu vực hồ Hoàn Kiếm không có nhiều sân khấu vui nhộn, rực rỡ sắc màu như thời khắc đón năm mới dương lịch 2023, không gian tâm linh chất chứa huyền tích chầm chậm vào xuân.

Thời khắc Giao thừa, thành phố bừng lên trong muôn sắc pháo hoa, trong rộn rã tiếng cười và lời chúc an lành. Pháo hoa tỏa sáng không gian, lung linh mặt nước, đem niềm hứng khởi đến với mỗi con người. Ông Hoàng Minh Quang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đưa con đến đền Ngọc Sơn để cháu hiểu thêm về văn hóa, lịch sử Hà Nội, để đón Giao thừa ở nơi chúng tôi đã gắn bó một thời niên thiếu… Đón năm mới bên Tháp Bút, bên cầu Thê Húc là niềm hạnh phúc và sẽ luôn là những ký ức đẹp mỗi khi Tết đến, xuân về…”.

Đi chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, không chỉ để ước nguyện mà mỗi người còn tìm ở cửa Thiền, đất Phật giây phút bình yên, bỏ lại sau lưng những bộn bề cuộc sống. Năm nay, ngay sau thời khắc Giao thừa, nhiều ngôi chùa ở Hà Nội đã tấp nập dòng người hành lễ trong rực rỡ đèn hoa. Đất tâm linh, người cầu hai chữ bình an, người cầu cho con cái học hành tấn tới, tiếng chuông chùa ngân vang trong không khí bình yên.

Sáng mồng Một, nhiều ngôi chùa ở Hà Nội như Quán Sứ, Trấn Quốc, Linh Ứng… chật người, cùng nguyện cầu những điều tốt lành. Khi ra về, nhiều người không quên mua túi muối với mong muốn một năm có thêm nhiều may mắn.

Thăng Long - Hà Nội là đất văn hiến, tôn thờ đạo học, nên Văn Miếu - Quốc Tử Giám tấp nập ngay từ sáng sớm đầu năm. Cửa Khổng, sân Trình, người người bái lễ, bày tỏ sự cung kính và lòng thành với các bậc Thánh Nho, nhà khoa bảng… Bên Hồ Văn những “ông đồ” lại “mực tàu, giấy đỏ”. Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm” trong không gian gợi nhớ một thuở trường thi, lều chõng… thu hút tới 50 thư pháp gia.

Người dân du xuân tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Nhật Nam

Rộn ràng ngày Tết 

Tết Quý Mão năm nay, Hoàng thành - Thăng Long rực rỡ sắc màu của hoa đào, hoa cúc, hoa lan, hướng dương, thược dược, đỗ quyên... và một không gian ấn tượng với những dòng tranh Tết nổi tiếng, như: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ… Và, trong không gian trưng bày Tết Nguyên đán truyền thống, nhiều người có thể tìm hiểu về phong tục thờ cúng ngày Tết cũng như đạo lý hướng về nguồn cội của người Việt Nam.

Đặc biệt, với những người đam mê lịch sử, không gian trưng bày “Cung đình ngày xuân” đem đến không ít thông tin thú vị như việc ban yến, ban thưởng của triều đình phong kiến. Về lễ Chính đán - một nghi lễ triều hội của các bậc quân vương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, là một trong những nghi lễ đầu tiên, quan trọng nhất trong Tết Nguyên đán, được tổ chức vào ngày mồng Một với nghi thức thiết đại triều ở Điện Kính Thiên, thể hiện mong muốn phồn thịnh của quốc gia, trường tồn của dân tộc, tạo ra một sự khởi đầu mang theo niềm hy vọng và những dự báo tốt lành cho năm mới. Với nhiều người, Hoàng thành - Thăng Long thật sự là một không gian văn hóa - không gian sáng tạo, kết nối lịch sử và đời sống hiện tại.

Năm nay, hàng quán sớm tấp nập. Sáng mồng Một, nhiều hàng quà… đã mở cửa, những người “mê” phở Thìn, phở Biên… không phải đợi đến “ra giêng” như những năm trước để thưởng thức thứ quà danh tiếng của Hà Nội này. Đến tối mồng Hai thì phố Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện… đã tấp nập như những gì vốn có và “khách tây” nhiều hơn “khách ta”…

Tết ở các vùng ngoại thành, dù đang sầm sập đô thị hóa, vẫn giữ cho mình tròn vẹn sắc thái riêng. Người Xứ Đoài, Sơn Nam Thượng vẫn “nằm lòng” những nghi lễ thờ cúng, phong tục tập quán nối tiếp bao đời như một cách gìn giữ nẻo về nguồn cội. Ngoài lo việc thờ cúng tổ tiên trong nhà, nhiều làng, xã vẫn duy trì nếp cắt cử những người uy tín, được nhân dân trọng vọng, coi sóc việc hương khói đình, đền ngày Tết. Và phút Giao thừa thiêng liêng, nhiều người vẫn giữ nếp dâng hương, xin lộc tại đình làng, với niềm tin về một năm tươi tắn, hanh thông.

“Sang xuân đình đám vui như Tết. Hết đám làng bên lại đám làng”. Mùa xuân - mùa lễ hội đang mở ra với đất văn hiến, đất di sản. Sau những năm “đứt đoạn” vì dịch Covid-19, các sự kiện lễ hội truyền thống sẽ được nối lại, với những náo nức, mong chờ, mang theo biết bao khát vọng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. 

Tại làng cổ Đường Lâm, chương trình “Tết làng Việt” vừa khép lại cũng là lúc người người nôn nao chuẩn bị cho các sự kiện văn hóa tiếp theo, nối dài phong vị Tết trên vùng đất cổ. Tại các xã có đông đồng bào Mường, Dao sinh sống ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai…, tiếng cồng chiêng trầm bổng, lay động không gian như báo hiệu một năm mới tốt lành, một cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc hơn đang đến thật gần...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về mang niềm hy vọng mới!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.