Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân về Cồn Cỏ

Bảo Hân| 23/01/2023 13:17

(HNMO) - Cồn Cỏ được coi là “viên ngọc xanh” của tỉnh Quảng Trị, là một trong những điểm đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Kiên cường vượt qua gian khó nơi tiền tiêu, đón xuân mới Quý Mão 2023, các cư dân ở Cồn Cỏ vững tâm bám đảo, tự hào là những cột mốc sống thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân mới về trên huyện đảo Cồn Cỏ.

Tình yêu và những mầm sống 

Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba là nơi thế hệ tương lai của đảo Cồn Cỏ được chăm chút, yêu thương bởi những cô giáo trẻ tận tụy.

Nước da trắng sáng như đã tự giới thiệu cô giáo Võ Thị Vân Anh (26 tuổi, quê ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là “lính mới” của huyện đảo. Năm đầu tiên theo chồng là Đại uý Đào Quang Hiển, Phó Trạm trưởng Trạm Ra đa 540, Trung đoàn 351, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ra đảo, Vân Anh mang theo con trai nhỏ 2 tuổi để cả nhà được đoàn tụ.

Hoa Phong Ba, ngôi trường duy nhất trên huyện đảo Cồn Cỏ.

Không có thời gian để bỡ ngỡ với giá lạnh của mùa đông khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió, Vân Anh lập tức bị cuốn vào nhiệm vụ mới. Từ những bỡ ngỡ ban đầu khác với những kiến thức sư phạm hay kinh nghiệm 5 năm dạy trẻ trong đất liền, chị dần quen với việc một mình đứng lớp học khá đặc biệt với 11 trẻ đủ các lứa tuổi. Khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất, Vân Anh tự nhủ sẽ phát huy hết khả năng để bù đắp những thiệt thòi, nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức cho trẻ. Nhìn cậu con trai 2 tuổi đã thôi khóc lóc, bám mẹ những ngày đầu mà hoà nhập vui chơi cùng chúng bạn, Vân Anh mỉm cười yên tâm. 

Nếu như cô giáo Vân Anh tỉ mỉ trên lớp thì cô cấp dưỡng Nguyễn Thị Hoài (35 tuổi) lại đặt hết tâm huyết vào những bữa ăn đầy dủ dinh dưỡng cho trẻ. Chị Hoài kể, nguồn thực phẩm tươi sạch cho các con luôn được huyện đảo ưu tiên chăm chút. Đó là những mớ cá, tôm tươi từ thuyền đánh cá đem vào, là thịt gà, thịt lợn do các gia đình tự nuôi và những luống rau xanh các cô tự trồng trong khuôn viên trường.

6 năm trước, theo chủ trương của tỉnh Quảng Trị, từ vùng quê Vĩnh Linh, chị Hoài cùng gia đình tình nguyện ra Cồn Cỏ sinh sống và trở thành cô cấp dưỡng tại Hoa Phong Ba suốt 4 năm qua. Để ổn định kinh tế gia đình, ngoài giờ làm việc ở trường, chị phụ chồng nuôi thêm gia súc và làm nước mắm.

Cô giáo Võ Thị Vân Anh hạnh phúc cùng các trẻ nhỏ tại ngôi trường Hoa Phong Ba.

“Cả đảo như một gia đình lớn, tối lửa tắt đèn có nhau. Có mớ cá tươi hay nhà ai nấu được món ngon là í ới gọi nhau chia sẻ. Các cấp chính quyền, lực lượng bộ đội đóng trên đảo thường xuyên quan tâm, hỏi han, động viên, giúp đỡ người dân những lúc biển động, sóng to gió lớn không có tàu chở lương thực ra. Trạm y tế thì quan tâm thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí… Nhờ những giúp đỡ, chia sẻ như thế, khó khăn dần lui khiến chúng tôi hoàn toàn yên tâm với cuộc sống trên đảo”, chị Hoài tâm sự.

Năm 2004, Chính phủ quyết định thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm 2017, tỉnh Quảng Trị thực hiện chủ trương mới, đưa những gia đình trẻ ra đảo Cồn Cỏ sinh sống, với tên gọi “Thanh niên lập nghiệp”. Đến nay, đảo Cồn Cỏ có trường mầm non, trung tâm y tế…

Với hậu phương vững chắc kề bên, dù ăn Tết xa nhà trên đảo, Đại uý Đào Quang Hiển đón xuân mới trong vững tin và yêu thương đủ đầy. Công tác tại Trạm Ra đa 540 đóng trên đảo Cồn Cỏ từ tháng 3-2021, hiểu thời tiết khắc nghiệt cùng cuộc sống thiếu thốn nên anh Hiển càng động viên vợ để chị Vân Anh vượt qua áp lực công việc mới và những vất vả của giai đoạn nuôi con nhỏ mà không có người thân bên cạnh hỗ trợ.

 “Mùa xuân ở Cồn Cỏ biển động mạnh, việc vận chuyển hàng hoá gặp nhiều khó khăn nên từ trước Tết Trạm đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm. Sát Tết, cán bộ, chiến sĩ gói bánh chưng, gói giò để có đầy đủ thực phẩm và chia sẻ cùng người dân trên đảo. Tết nay, tôi may mắn có gia đình ở bên động viên nên lại càng vững tâm bám trạm, bám đài, bám vị trí chiến đấu, sẵn sàng xử lý các tình huống, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ”, Đại uý Đào Quang Hiển chia sẻ.

Chung sức bám đảo, gây dựng cuộc sống mới

Nhộn nhịp tàu về cảng cá ngày Tết.

Đón xuân mới trong mùa gió chướng, ngư dân trên đảo liên tục vươn khơi, hứa hẹn thuyền đầy ăm ắp lộc biển. Bình minh ló rạng, những mắt thuyền háo hức cập bờ mang theo tín hỉ đầu năm.

Trưởng ban Điều hành khu dân cư số 1 Lê Văn Thường (45 tuổi) vội về nhà ở xóm Mới, pha ấm trà ngon mời chòm xóm. Sau những câu chuyện vui xuân, ai nấy vội vã về nhà, thoăn thoắt đan những tấm lưới mới, chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo. 

Xóm Mới hiện có 10 hộ dân với 35 nhân khẩu. “Mùa đông đi biển thuận lắm. Những ngày sóng liên tục thì sẽ có nhiều cá nên ngư dân vẫn tranh thủ vươn khơi trong Tết. Sản lượng khai thác đến giữa tháng 12-2022 ước đạt hơn 11.000 kg, đủ kế hoạch huyện đảo đặt ra, cho doanh thu khoảng 710 triệu đồng. Tuy nhiên, cận Tết mới là mùa khai thác nên dự kiến sản lượng sẽ còn tăng nữa”, anh Thường phấn khởi khoe. 

Sau chuyến ra khơi đầu năm, anh Thường miệt mài đan những tấm lưới mới.

Từ xóm Mới nhìn sang khu dân cư Thanh niên, mùa xuân ùa về mang theo sức sống mới bừng lên trên khắp đảo tiền tiêu. Chị Nguyễn Thị Hương Lài - một cư dân của khu phấn khởi nói: “Trên đảo bây giờ chẳng thiếu thứ gì, điện lưới 24/24 giờ. Hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Vui nhất là dịp Tết đến xuân về, đảo trở thành một đại gia đình, cấp ủy, chính quyền, quân và dân cùng nhau sum vầy, gói bánh chưng, mổ lợn, sôi nổi tham gia các trò chơi ngày Tết...”, chị Lài kể. 

Cũng giống gia đình chị Lài, đón xuân mới, các hộ dân trên Cồn Cỏ đã sắm sửa khá đầy đủ lễ vật, đồ ăn, thức uống. Quán cà phê nhỏ của gia đình chị Trịnh Thị Quyệt (49 tuổi), Phó Trưởng ban Điều hành khu dân cư tấp nập hơn thường ngày với những câu chuyện đầu xuân rôm rả. 

Chị Quyệt phấn khởi nói: “Cũng như trong đất liền, ba ngày Tết mọi người thường đi du xuân, gặp gỡ bà con, họ hàng. Ở Cồn Cỏ, người dân còn được đón nhận sự thăm hỏi, động viên thân tình của cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an. Quân và dân trên đảo sống chan hòa, vui vẻ, hết lòng giúp đỡ nhau như người thân trong gia đình. Vì vậy, Tết ở Cồn Cỏ luôn mang hương vị riêng, rất đỗi thiêng liêng”.

Chị Quyệt pha cà phê mời khách tại quán gia đình.

Hơn 20 năm gắn bó với Cồn Cỏ, chị Quyệt cảm nhận rõ hơn ai hết những thay đổi theo năm tháng của huyện đảo. Có được cuộc sống với cơ ngơi như hiện nay, không chỉ gia đình anh Thường, chị Lài, chị Quyệt, mà phần lớn các hộ dân trên đảo Cồn Cỏ đều xác định sẽ gắn bó lâu dài với đảo tiền tiêu, sẵn sàng trở thành cột mốc sống giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ càng thêm yên tâm bởi những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Cồn Cỏ đang thay da đổi thịt từng ngày.

Dẫu còn đó bộn bề những khó khăn của một huyện mới thành lập hơn 10 năm, nhưng quân và dân trên đảo vững tâm xác định trong tương lai không xa, Cồn Cỏ sẽ trở thành “hòn ngọc Biển Đông”, là một đỉnh của tam giác du lịch sinh thái biển Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ. Xa hơn nữa, Cồn Cỏ xứng đáng là đảo văn hóa - đảo du lịch - đảo an toàn nơi cửa ngõ tiền tiêu của Tổ quốc, làm nên những hòn ngọc Viễn Đông mở cánh cửa Việt Nam đón chào muôn nơi… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuân về Cồn Cỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.