Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân này, lại ăn Tết công trường

Nguyễn Hiếu - Văn Thành| 23/01/2015 05:21

(HNM) - Chứng kiến không khí thi công hối hả và những việc làm có thể coi là kỳ tích của anh em thợ cầu trẻ có thể nhận định rằng: Việc đặt niềm tin vào lớp trẻ là một hướng đi đúng của nhiều đơn vị thuộc Cienco1.

Cầu Rồng - biểu tượng mới của TP Đà Nẵng.



Chân dung người thợ trẻ

Chúng tôi cùng kỹ sư Ngô Bá Toản, Giám đốc Công ty cổ phần Cầu 12 (Cienco1), đơn vị Anh hùng Lao động, một đơn vị xây dựng cầu nổi tiếng, cùng đi một chuyến xe dự lễ khởi công dự án cầu tại Lào Cai và Hà Giang. Còn nhớ lần đầu gặp nhau, anh là Giám đốc Điều hành dự án xây dựng cầu cảng Dung Quất của Cienco1. Khi đó, dự án đang ở giai đoạn hoàn chỉnh hạng mục kết cấu thép. Ấn tượng lớn nhất để lại lần đó là những bãi ống, cột, thanh thép ngồn ngộn kéo dài hàng cây số. Thân hình tầm thước của anh như bị ngập, hòa trong khối thép và đê chắn sóng khổng lồ của nhà máy lọc dầu lớn nhất cả nước. Lần gặp thứ hai, anh là Giám đốc Điều hành dự án cầu Trần Thị Lý trên sông Hàn (Đà Nẵng), nơi Cienco1 song song thi công hai chiếc cầu là cầu Rồng và Trần Thị Lý. Đây là hai cây cầu nổi tiếng về công nghệ cũng như thẩm mỹ. Lần gặp ấy, tôi thực sự bị ấn tượng mạnh về một vị giám đốc mới ngoài 40 nhưng đã có gần 20 năm lăn lộn trên các công trường. Không những thế, anh còn là người góp công trực tiếp để hình thành hàng chục chiếc cầu nối đôi bờ của những dòng sông, công trình cảng biển, cảng sông đòi hỏi công nghệ phức tạp. Lần gặp này, với cương vị là Giám đốc Cienco1, anh lại tham gia xây dựng ba chiếc cầu: Cầu Cốc Pài và Suối Đỏ (trên địa phận Hà Giang), cầu Sơn Hải (Lào Cai). Ba cầu này thuộc gói thầu B3-19 thuộc dự án tín dụng có vốn vay của JICA Nhật Bản để cải tạo mạng lưới quốc lộ lần thứ hai. Nhìn dòng người với trang phục đỏ rực của thiếu nữ Phù Lá và La Chí đổ qua chợ về nơi khởi công, chúng tôi càng hiểu bà con dân tộc "khát" sự hiện diện của cây cầu vắt qua hai đỉnh núi, nối những con đường xuống chợ thế nào….

Đội trưởng Đội công trình 9 Vũ Văn Phồn còn rất trẻ đưa chúng tôi lội bộ trên con đường mòn mấp mô đến địa điểm chuẩn bị đặt trụ cầu cao nhất. Tất cả công việc đều mới bắt đầu. Những cây rừng đầu tiên trên mảnh đất khoan trụ vừa hạ đang chảy nhựa. Lán trại chưa chuẩn bị xong, anh em công nhân vẫn ở nhờ trong bản. Theo dự kiến, chỉ trong vòng một năm, ba chiếc cầu vĩnh cửu có tổng chiều dài hơn nửa cây số sẽ vắt qua những ngọn núi, thung khe cho người dân từ các bản xa đi lại. Tưởng tượng đến chiếc trụ cao hơn 60 mét của cầu Cốc Pài sắp được dựng lên, tôi lại nhớ đến cầu Hang Tôm cao vòi vọi nơi đầu nguồn sông Đà, nhớ đến những chiếc cầu dài hàng cây số đòi hỏi trình độ cao như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Lạc Quần, Tân Đệ… Chúng tôi tin, dù khó khăn, vất vả bao nhiêu giữa chốn núi cao, suối sâu này, ba chiếc cầu sẽ được những người thợ cầu trẻ dựng lên đúng thời hạn.

Trương Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng LRB01 thuộc gói thầu 1 của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một thanh niên đang độ sung sức. Mới gặp, chàng kỹ sư này còn đôi chút e dè, nhưng chỉ vài ba phút sau, Tuấn đã lộ ra sự "gia truyền" ăn to nói lớn của người thợ cầu. Tuấn thuộc biên chế của Xí nghiệp Cầu 18, còn thành viên gia đình Tuấn gắn bó với các đơn vị của Cienco1. Đưa chúng tôi đôi ủng lội nước, Tuấn nói vội: "Các chú cứ ra công trường với cháu, vừa đi vừa nói chuyện cho tiện!". Vượt qua con đường lầy lội bởi mấy trận mưa vừa dứt, chúng tôi tới chiếc cầu vượt con sông mang tên Túy Loan trữ tình của vùng Hòa Vang (Đà Nẵng) đang hình thành những nét đầu tiên. Mặc dù cầu chỉ dài 235m nhưng thợ cầu ở đây gặp không ít khó khăn khi mố A2 gặp trở ngại bởi hệ thống dây điện 110 KV. Bệ trụ B4 cũng phải dừng để chờ thay đổi đường đỏ thiết kế. Mùa lũ sông Túy Loan luôn luôn bất ngờ, có những lúc nước lũ lên cao tới 5 - 6m. Vậy mà chưa đầy sáu tháng sau khi khởi công, đơn vị đã thực hiện được 23% khối lượng, khoan được 52 trên tổng số 102 cọc khoan nhồi. Tuấn khẳng định đơn vị sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Nhìn sự quả quyết của Tuấn, chúng tôi hiểu chàng trai có những cơ sở của mình. Dù chỉ ra trường được 6 năm, nhưng chàng trai có dòng máu thợ cầu này đã trải qua bốn công trường lớn, xây dựng những cây cầu có địa hình phức tạp là cầu Bản Xá, Vĩnh Thịnh, Cai Hà, Ngọc Tháp…

Giám đốc Điều hành gói thầu 1 Nguyễn Mạnh Cường, quê Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) vừa qua tuổi 30, ra trường được 9 năm, đã từng làm phó cho Ngô Bá Toản tại dự án cầu cảng Dung Quất và phụ trách kỹ thuât hệ thống dây văng cầu Trần Thị Lý… Ở gói thầu 1 của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cường đứng mũi chịu sào một gói thầu có giá trị gần 1.000 tỷ đồng, điều phối lực lượng thi công tại công trường ngã ba Túy Loan. Ngoài cầu Túy Loan còn là dự án cầu cạn vượt vành đai phía nam TP Đà Nẵng và cầu qua sông Lê Trạch. Địa hình thi công đều qua ruộng đất trũng nên nền đắp thường cao tới 8m, vậy mà chỉ mới chòm chèm 6 tháng, các đơn vị đã hoàn thành cơ bản công tác xử lý nền đất yếu, bảo đảm tiến độ trước mùa mưa để lấy đà tăng tốc vào mùa khô.

Và những cây cầu thế kỷ

Đi qua nhiều cây cầu nhưng có lẽ công trình để lại ấn tượng sâu đậm nhất với chúng tôi là nút giao khác mức Ngã ba Huế tại TP Đà Nẵng, một công trình có vốn đầu tư thuộc loại A. Nút giao này đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm trong thi công. Đây không chỉ là công trình giao thông để giải quyết những ách tắc, hạn chế tai nạn mà còn là công trình kiến trúc mang biểu tượng nữ thần Pôn Na Ga với khung dầm căng cáp hình Parabol để cho ba tầng đường thẳng và đường vành khuyên đi qua. Công trình đồ sộ này sau khi hoàn thành sẽ cùng với cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý tô điểm cho vẻ đẹp của TP Đà Nẵng. Nhiều hạng mục, nhưng thời gian thi công chỉ gói lại trong vòng 14 tháng. Chúng tôi nghe nói lãnh đạo TP Đà Nẵng rất quyết liệt trong việc xây dựng công trình này. Sự kiên quyết của lãnh đạo thành phố gặp sự tự tin của lãnh đạo Cienco1. Trong cuộc họp bàn, lãnh đạo Đà Nẵng sau khi trình bày quy mô công trình và đưa ra thời hạn hoàn thành, kỹ sư Cấn Hồng Lai Tổng Giám đốc Cienco1 quả quyết: Chúng tôi nhận và sẽ hoàn thành đúng thời hạn!

Buổi sáng đến công trình lại đúng vào ngày của tháng thứ mười tính từ khi công trình khởi công. Đà Nẵng thoáng một chút mưa nhẹ. Lãnh đạo các đơn vị thi công đều có mặt tại hiện trường. Đó là Phan Văn Quân - Đội trưởng Đội công trình 4, Công ty Cơ giới 1; Phạm Hồng Văn - Đội công trình 3, Xí nghiệp Cầu 18; Nguyễn Văn Hưng - Đội trưởng Đội 2, Xí nghiệp Cầu 17… Người cao tuổi nhất là Giám đốc điều hành dự án Đoàn Mạnh Hùng sinh năm 1976, còn hầu hết là độ tuổi 8X. Đứng trên mặt bằng tầng ba còn ngổn ngang sắt thép, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước quy mô, hình thức của nút giao thông phức hợp nhiều tầng lần đầu tiên được thi công ở nước ta. Các vị đội trưởng trẻ nói cho chúng tôi nghe kỹ thuật khi họ thi công cầu vòng xuyến, dây văng nối với Parabol làm sao tạo được dáng hình của văn hóa Chăm, công nghệ đúc bê tông tạo hình trên cao… Nhìn xuống những vòng xuyến và chiếc cầu đang chờ ngày hợp long, chúng tôi nghe anh em các đơn vị kháo nhau "Xuân này lại ăn Tết trên công trường". Họ đang quyết tâm để công trình có thể đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm lần thứ 40 Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-2015…

Họ đấy, những cán bộ, đảng viên của Cienco1 tuổi đời còn rất trẻ nhưng mồ hôi của họ đã đổ xuống các công trường lớn, xây nên nhiều cây cầu vững chắc ở khắp mọi miền đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân này, lại ăn Tết công trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.